Thời điểm này, nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao. Ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống…, hàng Tết được bày bán tràn ngập, đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sản xuất được trà trộn vào chuỗi cung ứng.
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội; PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đưa ra những lưu ý với người tiêu dùng.
Nơi nào đáng tin cậy, siêu thị, chợ truyền thống?
Hiện bước vào mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng hàng hóa Tết được cung ứng lớn, đa dạng, phong phú. Không ít người vẫn băn khoăn chọn siêu thị hay chợ truyền thống để sắm Tết, các chuyên gia nhận định thế nào?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá, Bộ Công Thương và các địa phương đã cùng doanh nghiệp cung ứng những hàng hóa phục vụ Tết như xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, bảo đảm nguồn cung, an toàn thực phẩm, giá cả được bình ổn để người tiêu dùng với mọi mức thu nhập đều có thể mua sắm.
Hiện, nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao. Mua sắm tại siêu thị hay chợ truyền thống tùy thuộc thói quen, mức thu nhập của người tiêu dùng. Mặt hàng tại chợ truyền thống hay siêu thị đều đa dạng, phong phú như nhau. Thực tế, đối với hàng tươi sống, chợ truyền thống vẫn chiếm đến 80%, trong khi siêu thị, cửa hàng tiện lợi và kênh khác chiếm 20%.
Thông thường, người có thu nhập trung bình hoặc thấp hơn thường lựa chọn chợ truyền thống để mua sắm, giá rẻ hơn siêu thị, cửa hàng tiện lợi khoảng 20 đến 30%. Điều này ngược lại với các nước khi hàng hóa siêu thị thường rẻ hơn chợ bởi siêu thị mua bán nhiều, thành chuỗi cung ứng.
Một khảo sát cách đây 5 tháng cho thấy, 60% hàng hóa ở chợ truyền thống đảm bảo chất lượng, nhưng cũng đến 40% có vấn đề. Đa số hàng hóa ở chợ truyền thống không được niêm yết giá, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Những người có thu nhập cao hơn từ 15 triệu đồng/tháng trở lên thường chọn siêu thị do giá cả niêm yết, hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ hơn, có nguồn gốc xuất xứ và được tin tưởng.
Một kênh mua sắm khác là online, qua các sàn thương mại điện tử. Để thích nghi, một số siêu thị hoặc chợ truyền thống cũng có kênh bán qua online. Nếu biết cửa hàng, mua qua mạng sẽ tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, kênh mua bán này cũng có vấn đề, hàng rởm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, bán hàng online có tốc độ phát triển khoảng 20% nhưng lại chưa được tín nhiệm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng người có thu nhập trung bình hoặc thấp hơn thường lựa chọn chợ truyền thống để mua sắm. |
Kiểm soát hàng kém chất lượng “tuồn” bán dịp Tết
Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao cũng là dịp các “gian thương” tuồn ra thị trường những hàng hóa kém chất lượng, khiến người tiêu dùng lo lắng, băn khoăn. Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần chú ý điều gì để kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại siêu thị, chợ truyền thống?
Bà Bùi Thị An: Tết cũng là thời điểm “gian thương” tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thật giả lẫn lộn, nhằm trục lợi trên niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng.
Qua các kênh thông tin, tôi được biết, tình trạng buôn lậu diễn ra tại một số địa phương có đường biên giới. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng ở vùng biên phải quản lý chặt chẽ, bởi thời điểm này thực phẩm kém chất lượng hoặc thực phẩm rẻ không an toàn được tuồn vào nhiều.
Cơ quan hải quan phải nâng cao trách nhiệm quản lý. Quản lý thị trường kiểm soát hàng trôi nổi. Quản lý ở cấp vĩ mô là các đầu mối vùng biên nhập hàng hóa và quản lý tại các chợ đầu mối đến chợ cóc.
Người dân không thể biết hết nên quản lý thị trường phải nắm chắc địa bàn được giao, không để hàng thiu thối, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Bà Bùi Thị An đề nghị cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, bởi thời điểm này thực phẩm kém chất lượng thường được tuồn vào thị trường trong nước. |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Có một vấn đề, hiện hệ thống phân phối của chúng ta không gom vào quản lý. Tôi sang Thái Lan, Hàn Quốc, họ có các chợ đầu mối, hàng hóa phải qua chợ đầu mối, kiểm tra chất lượng, sau đó mới chuyển đi các chợ bán lẻ. Ở Việt Nam, các chợ đầu mối lớn như Long Biên (Hà Nội) chỉ có nhiệm vụ tập trung hàng hóa, không quản lý được chất lượng. Do đó, từ “dạ dày” hàng hóa lớn như thế mà không được quản lý sẽ về chợ lẻ, dẫn đến chất lượng không thể kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều địa phương thiết lập chợ đầu mối nhưng không hiệu quả về kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, hàng hóa ở chợ truyền thống là mua đứt, bán đoạn, thường không có địa chỉ chịu trách nhiệm, ít chứng từ hóa đơn.
Tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng hóa có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ nên đảm bảo hơn, nhưng thực tế cũng chỉ đạt 90%. Còn tình trạng hàng kém chất lượng tuồn vào siêu thị.
Thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hóa như Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường và cơ quan khác đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc cung ứng, cũng như chất lượng hàng hóa Tết. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tập trung kiểm soát chặt tại siêu thị hay chợ truyền thống.
Người tiêu dùng quan tâm, cân nhắc giữa giá cả và chất lượng hàng hóa, chứ nhiều người không thể nắm được sản phẩm mình mua có thực sự đảm bảo chất lượng. Trách nhiệm quản lý Nhà nước vẫn là chính trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, cũng như bình ổn giá.
Người tiêu dùng cần “thông thái”
Các chuyên gia có lời khuyên nào cho người tiêu dùng để lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp khi mua sắm Tết?
Bà Bùi Thị An: Hiện, thị trường hàng hóa đa dạng nhưng cũng lẫn lộn thật giả, chất lượng và không chất lượng. Người tiêu dùng phải chọn địa chỉ mua sắm hàng hóa an toàn, nhất là liên quan lương thực, thực phẩm.
Người tiêu dùng phải biết lựa chọn các điểm mua sắm, để đảm bảo an toàn thực phẩm và giá cả không quá cao. Mặt bằng chung không phải ai cũng vào siêu thị mua sắm nhưng cũng có rất nhiều điểm bán đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nếu mua hàng online, khách phải rất thận trọng kiểm tra hàng hóa.
Cần lưu ý không nên tích trữ nhiều hàng hóa, bởi nguồn nhiều, luôn cung cấp đầy đủ ở siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích mọi thời điểm.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Để mua hàng hóa đảm bảo chất lượng, người dân nên tìm đến những địa chỉ tin cậy, có thể là siêu thị hoặc chợ truyền thống. Với địa chỉ quen thuộc, người tiêu dùng sẽ nắm được giá cả, cũng như chất lượng sản phẩm.
Những người ít mua sắm, thiếu kinh nghiệm, nên lựa chọn mua hàng tại siêu thị, nơi có niêm yết giá cả và chất lượng hàng hóa cũng bảo đảm hơn. Khách muốn mua hàng qua các nền tảng online, cần tìm nơi có uy tín; nếu ít có kinh nghiệm mua sắm trên mạng thì nên mua sắm trực tiếp...
Xin cảm ơn các chuyên gia.
Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị về thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bộ này yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trên địa bàn.
Qua đó, đơn vị liên quan chủ động phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.