Trong nước

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bệnh ho gà tại nhà tránh biến chứng

  • Tác giả : Cử nhân điều dưỡng: Lê Thị Vân Anh
Ho gà không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì thế, việc chăm sóc, quan sát để sớm phát hiện những bất thường vô cùng quan trọng.

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào. Bệnh ho gà lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học…

Biểu hiện của bệnh ho gà

Triệu chứng lâm sàng: Thường chia làm 3 thể: Thể thông thường điển hình, thể thô sơ và thể nhẹ.

Hình 1.Ảnh minh hoạ ( Nguồn internet)

Thể thông thường điển hình: hay gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh này thường chia làm các giai đoạn: Khởi phát, toàn phát, giai đoạn lui bệnh và hồi phục.

Giai đoạn khởi phát( giai đoạn viêm long): Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.

Giai đoạn toàn phát (giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài từ 1-2 tuần, với trẻ < 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc, cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.

- Ho: Trẻ ho rũ rượi, mỗi cơn thường từ 15-20 tiếng liên tiếp. Cơn ho nặng, trẻ có thể thở yếu dần, có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.

- Thở rít vào: Xuất hiện cuổi cơn ho

- Khạc đờm: Các nút nhầy đặc quánh dính thường là sản phẩm bệnh nhân khạc ra khi kết thúc cơn ho. Trẻ mệt mỏi, nôn vã mồ hôi mạch nhanh sau mỗi cơn ho. Ngoài ra trẻ có thể sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, có ran phế quản. Các cơn ho tăng dần về số cơn và mức độ nặng của cơn trong vòng vài ngày đến 1 tuần và duy trì trạng thái nặng trong vòng vài ngày đến vài tuần. Cơn ho nặng có thể kéo dài vài giờ.

Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.

Thể thô sơ và thể nhẹ: Triệu chứng thường giống cảm thường, ho hắt hơi nhiều, không khạc đờm nhiều. Gặp ở trẻ đã được tiêm vaccin phòng bệnh ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn tại ngắn.

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bệnh ho gà tại nhà tránh biến chứng - Ảnh Minh họa

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bệnh ho gà tại nhà tránh biến chứng - Ảnh Minh họa

Biến chứng của bệnh ho gà

- Những trường hợp trẻ bị ho gà không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới một số biến chứng như lồng ruột, sa trực tràng, thoát vị.

- Co giật. Co giật thường gặp ở trẻ nhỏ. Ngoài ra có thể gặp các biến chứng như liệt nửa người, liệt tứ chi, thất ngôn là do xuất huyết não.

- Những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể kể đến như viêm phổi, viêm phế quản, bội nhiễm, vỡ phế nang, tràn khí màng phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Cách phòng bệnh ho gà cho trẻ

-Tiêm phòng: Tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, lên tới 90%. Vắc - xin ho gà nằm trong vắc- xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Các bà mẹ lưu ý nên cho con tiêm đúng thời điểm, đủ liều, đủ thời gian để đạt hiệu quả tối đa.

- Để phòng chống bệnh ho gà, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1) thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hemophilus influenza tuýp B.

- Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng.

- Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần điều trị ho gà cho trẻ càng sớm càng tốt.

- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn cần đưa trẻ vào bệnh viện để theo dõi và điều trị nội trú tại bệnh viện.

- Đối với trẻ lớn hơn và chưa có biến chứng, bạn có thể cho trẻ điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong vòng 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Bạn tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng các thuốc an thần, thuốc giảm ho, long đờm,... bởi chúng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ ho gà tại nhà

Về chế độ ăn

- Mẹ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn lỏng và dễ tiêu. Nên chia ra từng bữa nhỏ để tránh tình trạng trẻ khó ăn, nôn và sặc khi ăn. Đối với những trẻ đang bú, mẹ có thể cho con bú bình thường.

- Không được nấu quá loãng, vì như vậy bé sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể.

- Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, kẽm, sắt như thịt bò, thịt gà, trứng và các loại rau xanh có màu xanh thẩm hoặc đỏ.

- Mẹ nên đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh cho trẻ: Sau mỗi cơn ho của trẻ, mẹ dùng khăn mềm ấm để lau sạch đờm ở miệng của trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, mẹ có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm. Sau mỗi lần trẻ bị nôn, mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng. Với những trẻ nhỏ hơn, nên dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho trẻ.

- Vì bệnh ho gà có thể lây, nên mẹ cần cho trẻ cách ly trong ít nhất 4 tuần từ khi trẻ bắt đầu khởi phát triệu chứng ho. Trong quá trình chăm sóc con tại nhà, cần lưu ý đeo khẩu trang và thường xuyên dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh phòng ở và đồ chơi cho bé.

Chăm sóc trẻ

- Không tự ý cho bé uống thuốc ho khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

- Giữ ấm cơ thể bé.

- Cho bé sống trong môi trường không khói thuốc lá, không bụi bẩn và hóa chất.

- Cần ân cần, kiên trì dỗ bé ăn để bé có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Vì khi ho làm cơ thể trẻ chán ăn và mệt mỏi, kèm với việc cổ họng đau và rát nên trẻ không muốn ăn.

- Nhớ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh và các vật dụng trong nhà, nhất là các đồ bé hay sử dụng. Và thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng.

Một số loại thức ăn nên tránh

- Các thực phẩm ngọt vì những loại thức ăn này sẽ khiến cơn ho nặng hơn.

- Các thực phẩm qua chiên rán sẽ làm cho dạ dày có cảm giác nặng hơn.

- Các thực phẩm nhiều chất béo làm cho dịch đờm tiết ra nhiều hơn mức bình thường


Dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay: Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau:

-Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài

- Ăn kém, nôn chớ nhiều

- Ngủ ít, quấy khóc

-Thở nhanh/ khó thở

Cử nhân điều dưỡng: Lê Thị Vân Anh (Khoa Nhi BVTWQĐ-108)

Cử nhân điều dưỡng: Lê Thị Vân Anh