Y học cổ truyển cho rằng: Can là cơ quan có chức năng tàng huyết, chủ về cân, khai khiếu ở mắt; Thận tàng tinh chủ về xương, khai khiếu ở tai. Hai cơ quan này đều nằm ở phần dưới của cơ thể (hạ tiêu) có chức năng tương hỗ lẫn nhau, “ất quý đồng niên, can thận đồng trị”, tinh huyết hỗ sinh.
Nếu can thận âm hư thì tinh và huyết đều thiếu nên không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được mà phát sinh chứng trạng hoa mắt, mắt mờ, thị lực... giảm sút. Vì vậy, từ lâu y học cổ truyền đã khuyên hàng ngày nên bổi bổ cho mắt thông qua ăn uống.
Trà hoa cúc: Hằng ngày nên uống trà hoa cúc để thanh can minh mục (làm sáng mắt). Hoa cúc làm trà tốt nhất là cúc trắng hoặc cúc vàng được hái vào mùa thu khi hoa vừa mới nở, phơi ở nơi râm mát cho khô rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy dăm bảy bông hoa cúc cho vào ấm hãm với nước sôi, sau chừng mươi phút là dùng được, uống thay trà trong ngày.
Trà câu kỷ tử: Mỗi ngày dùng 15g câu kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút là dùng được. Cũng có thể phối hợp cả hoa cúc và kỷ tử với nhau để làm tăng hiệu quả sáng mắt của trà. Người xưa còn khuyên nên nấu canh lá non của cây câu kỷ thường xuyên để dưỡng mắt. Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh can và thận, một mặt bổ ích thận tinh, một mặt bổ dưỡng can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như: đầu choáng mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, tai điếc, lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương...
Trà mạn kinh tử + hoàng tinh: Dùng mạn kinh tử 500g, hoàng tinh 1000g, hai thứ đem sắc 9 lần, phơi khô 9 lần rồi đem tán thành bột, mỗi ngày uống 6g sau khi ăn. Đây là bài thuốc có tên gọi là Mạn kinh tử tán được ghi trong y thư cổ nổi tiếng”Thái bình thánh huệ phương”, có công dụng bổ gan và làm sáng mắt.
Ăn gan động vật: Nên ăn nhiều gan động vật, đặc biệt là gan gà và gan cá (chú ý không ăn gan của những loài cá có độc). Có thể nấu món gan gà hấp cách thủy ăn để dưỡng mắt như sau: Gan gà 1 bộ rửa sạch bằng nước hòa gừng tươi giã nhỏ rồi ngâm với rượu để khử mùi tanh. Tiếp đó, nghiền gan gà cho nhuyễn rồi hòa với lòng trắng 2 quả trứng, một chút nước gừng và nước dùng, gia vị vừa đủ rồi cho vào bát hấp cách thủy trong 15 phút là được, ăn nóng.
Y học cổ truyền cho rằng, can và mắt có quan hệ chặt chẽ với nhau, can khai khiếu ra mắt cho nên việc dùng gan động vật để phòng chống các bệnh về mắt là rất hợp lý, phù hợp với thuyết “lấy tạng bổ tạng”. Gan có công dụng dưỡng huyết, bổ can, minh mục rất thích hợp cho mắt, đặc biệt là với các chứng can âm huyết hư gây ra tình trạng hai mắt bị khô, nhìn mờ, thị lực giảm sút, chứng khí huyết hư tổn dẫn tới suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh...chứa nhiều protein, nguyên tố vi lượng và các vitamin, đặc biệt là vitamin A hết sức phong phú mà các thức ăn khác không thể sánh được.
Tuy nhiên, vì gan động vật chứa nhiều cholesterol nên những người bị rối loạn lipit máu, cao huyết áp, mắc bệnh động mạch vành tim thì không nên dùng.