Dữ liệu y khoa

Mỗi thể viêm khớp một bài thuốc

  • Tác giả : LY. Minh Phúc
(khoahocdoisong.vn) - Theo y học cổ truyền, viêm khớp dạng thấp (VKDT) thuộc bệnh chứng cơ khớp, bệnh này có nhiều nguyên nhân, phần nhiều do (nội nhân), chức năng gan tỳ thận bị suy yếu, do (ngoại nhân) nhiễm phong, hàn, thấp gây huyết trệ đàm ngưng, gây đau tại khớp.

YHCT còn cho rằng, “gan chủ gân, thận chủ xương, tỳ chủ sinh huyết” có nghĩa là  gan chủ nuôi dưỡng gân cơ, thận chủ nuôi dưỡng xương cốt. Tỳ chủ hấp thu dinh dưỡng, tạo huyết. Khi chức năng  nội tạng suy yếu, phong  tà xâm nhiễm,  kinh lạc ứ trệ đều có thể đau cơ khớp và VKDT. 

Các thể viêm khớp dạng thấp   

Thực tế cho thấy VKDT có nguyên nhân và triệu chứng không giống nhau, do vậy YHCT có phân thành 3 thể chính như sau:

+ Thể “phong hàn thấp” thường biểu hiện đau cứng khớp, đau tăng vào buổi sáng thời tiết lạnh ẩm, xoa dầu chườm ấm dễ chịu….

 + Thể “phong thấp nhiệt” thường biểu hiện khớp sưng nóng đỏ đau.

 +  Thể “phong thấp tý” thường biểu hiện đau sưng, đau cố định một chỗ, đau nhiều phần dưới cơ thể, người nặng nề.

Ngoài ra còn có thể khí huyết đều hư, đờm ngưng kết tụ biến dạng khớp.

Bài thuốc Đông y phòng trị VKDT chủ yếu là bổ khí huyết khu phong trừ thấp. Sau đây là 3 bài thuốc tiêu biểu thường sử dụng như:  

Bài Quyên tý thang gia vị gồm có đương quy 14g, xích thược 14g, xuyên khung 14g,  hoàng kỳ 14g, phòng phong 10g, khương hoàng 12g, quế chi 12g, khương hoạt 10g, trần bì 12g, cam thảo 6g, đại táo 3quả. Bài này thích hợp với người VKDT thể phong hàn, biểu hiện khớp đau tăng vào buổi sáng thời tiết lạnh.

-  Bài Cửu vị khương hoạt thang gia vị gồm có: Sinh địa 20g, xuyên khung 14g, đương quy 14g, bạch chỉ 14g, thương truật 12g, khương hoạt 8g, phòng phong 10g, tế tân 6g, thông bạch 12g, hoàng cầm 10g, sinh khương 12g, cam thảo 6g. Bài này thích hợp với người VKDT thể phong thấp nhiệt, khớp có sưng nóng đỏ đau, kèm ngoại tà xâm nhiễm đau cấp hoặc tái phát.

- Bài Độc hoạt ký sinh gia vị gồm có: Sinh địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, xích thược 14g, nhân sâm 12g, phục linh 14g, độc hoạt 8g, tế tân 6g, tần giao 10g, phòng phong 8g, quế chi 14g, cam  thảo 6g, đại táo 3 quả. Bài này thích hợp VKDT thể phong thấp tý, bệnh lâu chức năng can thận suy tổn, thường đau phần dưới cơ thể, người nặng nề.

Có thể sử dụng một số huyệt có tác dụng dưỡng huyết, ích can thận, khu phong thanh nhiệt trừ thấp để điều trị VKDT như:

+ Huyệt thận du: Vị trí dưới gai đốt sống thắt lưng 2 đo ra 1,5 thốn. Tác dụng bổ tạng thận, mạnh lưng gối…

+ Huyệt dương lăng tuyền: “Hội huyệt” của gân, vị trí chỗ hõm dưới trước đầu trên xương mác. Tác dụng mạnh gân cốt, thư cân,  khử phong tà…

+ Huyệt túc tam lý: Vị trí dưới mắt gối ngoài (ngoại tất nhãn) đo xuống 3 thốn cạnh mào xương chày một khoát ngón tay. Tác dụng bổ tỳ vị,  thông điều kinh lạc, tiêu ứ trệ…

+ Huyệt huyền chung: “Hội huyệt” của tủy,  vị trí mắt cá ngoài  đo lên 3 thốn sát bờ trước  xương mác. Tác dụng đuổi phong thấp, tiết đởm hoả, thanh tuỷ nhiệt..

+ Huyệt tam âm giao: “Huyệt hội ba kinh âm” vị trí ở lồi cao mắt cá trong đo lên 3 thốn, sát bờ sau xương chày. Tác dụng bổ âm, dưỡng  huyết, kiện tỳ thận  trừ thấp…

-Nếu đau thiên về hàn tý thống, gặp lạnh đau tăng, do nhiễm phong hàn, nên châm thêm kết hợp cứu ấm huyệt dũng tuyền, thận du, mệnh môn, quan nguyên, khí hải, a thị huyệt, mỗi huyệt cứu 5-10 phút.

-Nếu đau thiên về phong nhiệt, khớp có sưng nóng đỏ đau, nên châm  thêm huyệt có công năng thanh nhiệt chỉ thống như huyệt: Hợp cốc, khúc trì, phong trì, phong môn, a thị huyệt.

-Nếu đau thiên về phong thấp, khớp sưng đau cố định đau phần dưới cơ thể, nên châm thêm huyệt có công năng kiện tỳ lợi thấp như: Ủy trung, hành gian, nội đình, a thị huyệt.

Khi châm cứu VKDT cần lưu ý nếu bệnh mới người còn khỏe nên châm tả châm nhanh, bệnh mãn người yếu nên châm bổ châm lâu. Nếu người sợ lạnh (hàn) nên cứu nhiều, thời gian lâu, hoặc chườm ấm xoa dầu ấm. Nếu người sợ nóng (nhiệt) nên châm cứu ít,  khớp đang viêm cấp sưng nóng đỏ không nên châm, không day ấn massage trực tiếp vào điểm sưng nóng, nên châm huyệt lân cận.    

Những món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị

Nguyên tắc chọn món ăn bài thuốc VKDT phải bổ dưỡng tăng cường sức đề kháng đẩy lùi bệnh tốt nhất nên ăn thực phẩm giàu vitamin C, D, E, A, Ca, PP có trong rau củ quả như trái bơ, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, kinh giới, tía tô, lá lốt, ngò rí, cải xoong, cần tây, thì là, húng quế, hoa lý, gừng, hành, hẹ, tiêu, tỏi, nghệ… thịt cá nên ăn sụn, móng, gân, xương động vật,  lươn, trạch, cá rô, tôm, cua, cá nhỏ...ngũ cốc, gạo lứt, ngô khoai tươi mới...

-Nếu VKDT thiên về thể “phong hàn” người lạnh, thường biểu hiện lạnh đau tăng nên tăng cường ăn nhóm thực phẩm có tính bổ ấm như thịt dê, thịt chó, thịt heo, chim, gà, bò... tốt nhất ăn sụn, móng, cật, đuôi…Các món từ rau củ quả hoặc thịt cá nên cho thêm gia vị cay ấm như: gừng, hành, tiêu, ớt, sả có tính khử phong hàn. Tuy nhiên thể hàn nên kiêng  thức ăn lạnh như: Cam, măng, cà, nước dừa… cả vị chua, đắng quá.

-Nếu VKDT thiên về phong nhiệt thường biểu hiện khớp có sưng nóng đỏ đau nên tăng cường ăn rau củ quả vị bổ mát trừ thấp tốt nhất nên ăn các loại rau thơm như kinh giới, tía tô, rau húng quế, rau mùi, thì là. Tuy nhiên, thể nhiệt kiêng các loại thức ăn cay nóng, dễ gây dị ứng động phong  như thịt bò, thịt gà, tôm cua.

L.Y. Minh Phúc (Nguyên PCT Hội Đông y Vũng Tàu)

LY. Minh Phúc