Xe

Mẹo chống buồn ngủ hiệu quả cho lái xe đường dài

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Buồn ngủ khi đang lái xe sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông. Để chống mệt mỏi và buồn ngủ khi lái xe, những biện pháp sau đây có thể mang lại hiệu quả.

Ngủ đủ giấc trước khi cầm lái

Với lái xe đường dài, giấc ngủ cực kỳ quan trọng giúp bạn lái xe an toàn. Theo các chuyên gia khuyến cáo tài xế nên ngủ đủ giấc hoặc ít nhất là 6 tiếng để giữ được sự tỉnh táo khi cầm lái.

Thêm vào đó, tài xế cũng không nên lái xe ôtô đường dài liên tục trong nhiều ngày bởi sẽ dẫn đến kiệt sức, không đảm bảo sức khỏe.

Chợp mắt vài phút khi cảm thấy quá buồn ngủ

Trong trường hợp tài xế quá buồn ngủ và không thực sự tỉnh táo để kiểm soát tay lái cũng không nên cố lái xe. Điều này dễ dẫn tới tình huống tài xế ngủ gật, buông tay lái, chệch làn đường và gây tai nạn đáng tiếc.

Vì vậy, tài xế có thể dừng lại bên đường, chợp mắt khoảng 15-20 phút trước khi tiếp tục hành trình.

Nghe nhạc và hát theo

Âm nhạc cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và mức độ mệt mỏi của bạn, tuy nhiên nên mở các bài nhạc sôi động mà bạn có thể hát theo, bạn sẽ bị cuốn theo vũ điệu sôi động của nhạc mà quên cơn mệt mỏi, không nên mở bài nhạc buồn vì sẽ làm bạn buồn ngủ hơn.

Nhai kẹo cao su

Khi nhai kẹo cao su thì cơ hàm vận động liên tục cũng giảm bớt mệt mỏi, nên chọn kẹo cao su bạc hà vì có vị cay nồng sẽ cho bạn cảm giác bừng tỉnh, giảm tình trạng buồn ngủ.

Không lái xe liên tục suốt 4 tiếng

Nếu lái xe suốt 4 tiếng, khả năng tập trung của tài xế sẽ giảm sút do bộ não phải làm việc quá tải và hao tốn nhiều năng lượng. Do đó, khi lái xe đường dài, đặc biệt là xe tải, hầu hết các lái xe đều cần người lái thay phiên.

Vì vậy, nếu hành trình của bạn dài hơn 4 tiếng hãy có quãng thời gian nghỉ ngơi để thư giãn và lấy lại sức thay vì chạy xe liên tục.

Hạ cửa kính xe để gió lưu thông

Trên thực tế, lái xe trên một quãng đường dài dễ khiến tài xế nhàm chán và buồn ngủ. Những lúc như vậy, tài xế có thể hạ một phần cửa sổ xuống để không khí lưu thông trong xe, tăng sự tỉnh táo và tập trung.

Tuy nhiên, nên hạ 1/3 cửa kính để tránh các tác động xấu của ngoại cảnh và tuyệt đối không được để tay hoặc các bộ phận khác của cơ thể ra ngoài cửa kính khi đang lái xe.

Tuấn Huy (T/H)