Khoa học & Công nghệ

Máy sấy tay không thể phát tán vi khuẩn

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Máy sấy tay công cộng thường có nhiều ở nhà vệ sinh của rạp chiếu phim, trung tâm thương mại hay các cửa hàng lớn. Có thông tin cho rằng, máy sấy tay thổi ra vi khuẩn.

Ổ vi khuẩn trong máy sấy tay

Hoạt động dựa trên cơ chế kết hợp giữa hơi nóng và tốc độ gió, máy sấy tay giúp thổi bay hơi nước, làm khô tay nhanh chóng mà không cần phải tiếp xúc với bất kì vật dụng nào. Nhưng thông tin đăng tải trên một số tờ báo khiến không ít người lo lắng khi sử dụng máy sấy tay. Theo đó, một thí nghiệm nhỏ của nhà khoa học tên Nichole Ward đến từ Carlsbad, California (Mỹ) khiến mọi người rùng mình. Nhà nghiên cứu khoa học này đã đưa một chiếc đĩa Petri (loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ có nắp đậy mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào hay những cây rêu nhỏ) vô trùng vào máy sấy tay trong vòng 3 phút rồi ủ trong vòng 48 giờ.

Hình ảnh cho thấy chiếc đĩa Petri đã bị phủ kín bởi đám vi khuẩn và nấm mốc, nhiều đến khó tin. Chỉ sau 3 phút để dưới máy sấy tay mà lượng vi khuẩn đã sinh sôi lên đáng kể sau 48 tiếng. Nichole giải thích rằng, máy sấy tay có thể có một số chủng nấm gây bệnh và vi khuẩn có hại. Chúng sẽ thổi nó vào tay của bạn và lây lan.

TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, Điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng khẳng định không có chuyện máy sấy tay phát tán vi khuẩn. Nghiên cứu nêu trên có thể chỉ do một cá nhân làm trong một điều kiện đặc thù nào đó chứ không phải là hiện tượng phổ biến ở các máy sấy tay. Nguyên lý hoạt động của các máy sấy tay tự động khá đơn giản sử dụng cảm biến quang học. Khi chúng ta đưa tay vào sấy, sẽ ngăn ánh sáng tiếp xúc với cảm biến nên dòng điện sẽ chuyển sang phần cánh quạt để quạt gió hoạt động, thay vì dòng điện sử dụng cho cảm biến..

Thiết kế bên trong nó gồm có mạch điện song song và quang trở (cảm biến quang học). Bình thường, có ánh sáng chiếu vào thì cánh quạt không có điện nên không hoạt động. Khi chúng ta đưa tay vào, sẽ ngăn ánh sáng, khiến quạt hoạt động. Thiết kế đơn giản như vậy thì không có chuyện vi khuẩn trú ngụ trong đó.

Vi khuẩn không tồn tại ở nhiệt độ cao

Theo TS Nguyễn Văn Khải, chúng ta cứ quan sát xung quanh từ các vật dụng là đồ điện có cánh quạt chạy sẽ hiểu được nguyên lý, và trả lời được câu hỏi liệu vi khuẩn có trú ngụ và sinh sôi trong máy sấy tay tự động hay không. Chiếc quạt trần chúng ta thường thấy sau một thời gian sử dụng sẽ có nhiều bụi bám trên cánh quạt. Điều này là vì khi quạt chạy sẽ sinh ra một dòng điện nhỏ. Dòng điện này có sức hút làm cho bụi bám vào cánh quạt, dù quạt có bật suốt cả ngày. Nguyên lý đơn giản là bất cứ vật nào được cọ xát liên tục bằng một lực nào đó cũng sẽ tạo ra dòng điện. Cùng với đó, nhiệt độ mà dòng điện này tạo ra cộng với tốc độ cánh quạt chạy sẽ làm vỡ màng dịch tế bào của vi khuẩn, dẫn đến chúng bị tiêu diệt. Cơ chế này ở trong máy sấy tay tự động cũng tương tự.

“Vi khuẩn không tồn tại được trong môi trường nhiệt độ cao, gió thổi liên tục và có nhiều ma sát do cánh quạt quay như vậy. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng loại quạt sấy tay tự động này. Tuy nhiên khi sử dụng phải đúng cách mới có tác dụng.  Sấy phải đủ thời gian thì mới tiêu diệt hết được vi khuẩn nếu có và làm khô tay. Ngược lại, khi ta lau tay bằng khăn giấy, một số bụi bẩn ngoài không khí bám trên khăn giấy sẽ dễ dàng bám sang tay ướt, tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ cho sức khỏe. Máy sấy tay dùng hơi nóng thổi khô bàn tay ta trong phút chốc, vừa tiện dụng, tiết kiệm thời gian lại không lãng phí tài nguyên môi trường”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Hiện trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin thiếu cơ sở khoa học nhưng lại được lan truyền rộng rãi khiến nhiều người hoang mang. Theo TS Nguyễn Văn Khải, để xác minh, chỉ cần có kiến thức cơ bản, hiểu nguyên lý chung là biết phân biệt để không quá hoang mang.

Bảo Khánh