Công nghệ mới

Máy sấy quần áo: Diệt khuẩn, khử mùi, tiết kiệm điện

  • Tác giả : Vân Bùi
Xã hội phát triển, thay vì phơi quần áo hong khô tự nhiên, nhiều gia đình đã chọn sử dụng máy sấy quần áo. Máy sấy ngoài công dụng sấy khô quần áo hiệu quả sau khi giặt còn có tác dụng diệt khuẩn, khử mùi quần áo, tránh bị bạc màu, chống nhăn... tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người nội trợ.
may-say(1).jpg
Ảnh minh họa

Tiện lợi, nhiều tính năng hữu ích

Máy sấy mới du nhập vào Việt Nam những năm gần đây nên còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đời sống ngày một phát triển, máy sấy quần áo là thiết bị gia dụng không thể thiếu. Không chỉ sử dụng ở những vùng khí hậu mưa hoặc thời tiết ẩm ướt, máy sấy có nhiều tính năng hiệu quả, tiện lợi vượt trội thu hút mọi bà nội trợ. Phơi quần áo ở môi trường như ở Việt Nam có thể dính nhiều bụi, lông động vật hoặc xơ vải gây kích ứng với hệ hô hấp dẫn đến chứng viêm họng, viêm mũi dị ứng. Phơi bằng nắng tự nhiên có thể khiến quần áo khô cứng, bạc màu, giảm độ bền, kém thẩm mỹ.

Theo anh Trần Văn Thanh, kỹ sư điện lạnh Công ty Điện lạnh Bách Khoa, trên thị trường máy sấy quần áo có thiết kế hình dáng giống máy giặt cửa ngang. Trên thị trường hiện nay có 3 dòng máy sấy quần áo chính đó là: Máy sấy bơm nhiệt, máy sấy ngưng tụ và máy sấy thông hơi. Máy sấy thông hơi dùng thanh điện trở được đốt nóng để tạo ra không khí nóng.

Trong quá trình hoạt động quạt gió liên tục thổi khí nóng và trong buồng sấy để hong khô quần áo, hơi nước tích tụ bên trong buồng sấy sẽ theo khí nóng bốc hơi ra ngoài môi trường, giúp quần áo khô nhanh. Máy sấy ngưng tụ sử dụng công nghệ hiện đại hơn, theo cơ chế làm cho hơi nước trong quần áo ngưng tụ tại khay hoặc bình chứa. Nhiệt độ tối đa của dòng máy này có thể lên tới 75 độ C. Khi nước ngưng tụ đầy bình chứa đầy thì đổ nước ra ngoài.

Máy sấy bơm nhiệt hoạt động bằng cách tạo ra luồng khí nóng làm cho nước đọng trong quần áo bay hơi và sau đó ngưng tụ lại trong ngăn chứa nước. Luồng khí sau đó lại được làm nóng và đưa vào lồng sấy để lặp lại chu trình. Với công nghệ bơm nhiệt, nhiệt độ sấy thấp chỉ khoảng 25 độ C nên giúp giảm việc gây hư hại áo quần do nhiệt, đồng thời tiêu thụ năng lượng ít hơn tới 50%.

Theo các chuyên gia điện lạnh, những gia đình có nhu cầu giặt nhiều lần hằng ngày hoặc khối lượng quần áo lớn thì máy sấy thông hơi. Tuy rằng máy có mức giá khá cao nhưng tốc độ sấy khô nhanh, nhiều lần ổn định thì đây vẫn là sản phẩm nên được cân nhắc lựa chọn. Nếu gia đình ít người, khối lượng giặt không lớn, cần tiết kiệm điện năng thì máy sấy bơm nhiệt là lựa chọn thích hợp. Gia đình nào hạn chế về không gian, diện tích thì máy sấy ngưng tụ là hoàn hảo.

Theo chị Trịnh Thu Hương, Giám đốc bán hàng trang mạng Chợ quen, máy sấy quần áo có giá 3 triệu đồng đến hơn 25 triệu đồng, tùy thuộc tính năng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Máy sấy có công suất từ 5 - 15kg, tùy theo số lượng thành viên trong gia đình mà lựa chọn. Một gia đình 3 - 5 người chọn tải trọng từ 4 - 9kg, công suất khoảng 1.000W là hợp lý. Hiện bên cạnh chức năng sấy quần áo cơ bản, nhiều dòng máy sấy còn được trang bị thêm những tính năng khác như diệt khuẩn, chống nấm mốc, giảm nhăn, khử mùi, tiết kiệm điện... cùng một số tính năng hữu ích khác. Các thương hiệu máy sấy được ưa chuộng ở phân khúc bình dân có Samsung, LG, Panasonic, Hitachi, Sunhous... Những thương hiệu như: Bosch, Candy, Fagor, Electrolux... được tín nhiệm ở phân khúc cao cấp hơn.

may-say-2.jpg
Máy sấy quần áo còn được trang bị thêm những tính năng khác như diệt khuẩn, chống nấm mốc, giảm nhăn, khử mùi, tiết kiệm điện... 

Mẹo tiết kiệm điện

Theo kỹ sư Trần Văn Thanh, điều khiến nhiều gia đình băn khoăn khi chọn mua sử dụng máy sấy quần áo là lượng điện tiêu thụ cao. Để tiết kiệm điện, bên cạnh chọn mua loại máy sấy công nghệ Inverter, người tiêu dùng cần sử dụng đúng cách để giảm điện năng tiêu thụ. Vắt kỹ quần áo trước khi cho vào máy sấy sẽ giúp cho thời gian sấy nhanh và tiết kiệm điện năng hơn. Khi cho quần áo đã vắt vào máy sấy phải gỡ rối, giúp quần áo bớt nhăn, tiết kiệm điện năng và thời gian máy sấy làm phẳng quần áo. Sấy đúng khối lượng quần áo đúng với dung tích của máy sấy sẽ giúp bạn tiết kiệm điện năng. Nếu dung tích máy đạt 9kg thì nên sấy cho 7 - 8kg quần áo là phù hợp. Ít quá sẽ lãng phí điện năng, nhiều quá quần áo sẽ không được sấy khô hoàn toàn.

Không nên sấy quần áo với nhiệt độ quá cao và thời gian dài, điều này sẽ làm quần áo bị quá khô, vừa hại quần áo vừa tốn điện và khiến quần áo bị nhăn. Không sử dụng liên tục, bật máy sấy quần áo suốt nhiều giờ. Nếu cắm máy liên tục sẽ rất nguy hiểm, dễ gây lên các rò rỉ điện và tiêu tốn điện năng. Chỉ nên sử dụng tối đa 3 giờ/1 ngày. Hạn chế sử dụng vào giờ cao điểm vì vừa tốn điện vừa không hiệu quả bởi giờ cao điểm điện sẽ yếu hơn nên thời gian sấy cũng sẽ lâu hơn.

Một trong những mẹo tiết kiệm điện ít người để ý là cần phân loại quần áo và chọn chương trình sấy phù hợp với mỗi loại. Dùng nhiệt độ cao cho quần jean, đồ vải dày, chăn, khăn tắm, thảm...; nhiệt độ trung bình cho các vật liệu tổng hợp như polyester. Các trang phục tơ lụa, đồ lót, vải lông mềm... sấy nhiệt độ thấp sẽ giảm điện năng tiêu thụ và tăng độ bền cho quần áo.

Theo các chuyên gia điện lạnh, để máy sấy có độ bền và tiết kiệm điện cần thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng. Lưới lọc là bộ phận quan trọng của máy sấy quần áo. Lưới lọc thường xuyên có nhiều bụi bẩn, xơ vải tích tụ trong quá trình sấy. Nếu sấy những loại quần áo có nhiều xơ bụi, cần tháo lưới lọc ra ngoài làm sạch, loại bỏ các bụi bẩn, xơ vải, rồi lắp lại như cũ sau mỗi lần sử dụng.

ve-sinh.jpg
Vệ sinh máy sấy sau mỗi lần sử dụng. 

Ngoài ra, sau mỗi lần sử dụng máy sấy quần áo đặc biệt là máy sấy ngưng tụ, cần đổ hết nước tích tụ bên trong bình chứa nhằm tránh trường hợp nước quá nhiều bị tràn ra bên ngoài. Hệ thống thông hơi của máy sấy được nhà sản xuất khuyến cáo nên vệ sinh định kỳ khoảng sau 20 lần sử dụng. Khi vệ sinh hệ thống thông hơi bạn cần bảo đảm rằng máy không hoạt động, các nguồn điện đã ngắt.

 Trước khi cho quần áo vào máy sấy cần kiểm tra và lấy hết những vật dụng trong túi như chìa khóa, kẹp, bút... bởi những vật này có thể làm hư hỏng quần áo, cháy nổ khi nhiệt độ cao. Khi đang sấy không cho thêm quần áo vào máy đang hoạt động. Điều này sẽ khiến ẩm kế không đo được chính xác độ ẩm của quần áo. Đồng thời, việc cho thêm quần áo cũng khiến không khí nóng trong máy thoát ra khi mở cửa dẫn đến máy tăng thêm thời gian để hoàn thành chu trình sấy.

Vân Bùi