Y học và đời sống

Mất cả chi thể, hoại tử ngực, tổn thương tạng... do câu cá dưới đường điện

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều trường hợp bỏng nặng, thậm chí nguy kịch đe dọa đến tính mạng do câu cá dưới đường điện. Những tai nạn bỏng điện đều rất thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát lớn cho người bệnh và gia đình nên cần phòng tránh.

Hơn 3 tháng trở lại đây, tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa ghi nhận sự gia tăng đột biến của các ca bỏng điện cao thế xảy ra trong quá trình bệnh nhân đi câu cá. Hầu hết các bệnh nhân đều có mức độ thương tổn từ nặng đến rất nặng, thậm chí có những trường hợp nguy kịch đe dọa đến tính mạng.

BS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng khoa Chấn thương- Chỉnh hình – Thẩm mỹ - Bỏng, cho biết: “Có thời điểm chúng tôi tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân bị bỏng điện cao thế.

Nguyên nhân chủ yếu là do lúc cá cắn câu, giật hoặc quăng cần câu, dây câu rất dễ vướng vào lưới điện, khiến người câu lập tức bị phóng điện. Người câu có thể cầm cần câu bằng một hoặc hai tay, đây là điểm vào của dòng điện.

Mất cả chi thể, hoại tử ngực, tổn thương tạng... do câu cá dưới đường điện - Ảnh BVCC

Mất cả chi thể, hoại tử ngực, tổn thương tạng... do câu cá dưới đường điện - Ảnh BVCC

Một hoặc hai bàn chân thường là điểm ra của dòng điện, các ngón chân rất dễ bị tổn thương. Điểm vào và ra của dòng điện là những nơi trên cơ thể bị dòng điện phá hủy nghiêm trọng.

Có những bệnh nhân đã phải cắt cụt 1 phần chi thể, 1 số bị tổn thương vùng bụng ngực gây hoại tử nguy cơ tổn thương các tạng trong ổ bụng và 1 số khác bị tổn thương không hồi phục các dây thần kinh chi phối vận động, cảm giác gây tàn tật hoặc khó khăn trong sinh hoạt, học tập. "

Theo BS Nguyễn Thị Thu Hoài, bỏng điện là một loại bỏng nặng, nếu như bỏng lửa và bỏng nước sôi gây ra các tổn thương trên da từ ngoài vào trong thì bỏng điện lại gây ra vết bỏng sâu từ trong ra ngoài, gây tàn phế nặng nề. Những tai nạn bỏng điện đều rất thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát lớn cho người bệnh và gia đình.

Khi dòng điện truyền qua cơ thể sẽ gây thương tổn:

- Toàn thân: Dưới sự kích thích của dòng điện sẽ gây ngừng tuần hoàn và hô hấp, còn gọi là sốc điện. Nếu không cấp cứu kịp thời, nạn nhân nguy cơ tử vong.

- Tại chỗ: Dòng điện sẽ phá hủy mô tế bào theo hai cơ chế: điện năng chuyển thành nhiệt năng gây tổn thương và hủy hoại mô ngay khi nó truyền qua ở các mức độ khác nhau.

Tổn thương gián tiếp, do dòng điện làm tổn thương tế bào mạch máu, thần kinh nơi dòng điện tiếp xúc và truyền qua. Những mạch máu này bị hủy hoại dần gây tắc mạch nuôi dưỡng chi và các cơ quan, dẫn tới hoại tử chi và tổ chức,phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ dòng điện chạy qua.

Để phòng tránh và hạn chế các di chứng tai nạn bỏng do điện cao thế trước tiên người tham gia câu cá cần phải lựa chọn vị trí câu an toàn, nếu gần khu vực có đường điện cao thế chạy qua phải tuân thủ quy định an toàn của hành lang lưới điện, cách xử lý khi bị phóng điện. Đặc biệt, trẻ em dưới 16 tuổi không đi câu cá một mình, cần có sự giám sát của người lớn..

Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền giáo dục, phổ biến rộng rãi nguy cơ bỏng điện, cách sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, bằng cách tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, truyền thanh, báo chí, tranh ảnh, tờ rơi, áp phích.

Khi sự cố xảy ra, người phát hiện phải ngắt dòng điện tại các công tắc ở cột điện. Nếu không tìm thấy công tắc phải nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi nơi tai nạn đến chỗ sạch sẽ chú ý đảm bảo an toàn cho người tham gia cấp cứu.

Tuyệt đối không tạt nước vào người nạn nhân; trường hợp người bị nạn bất tỉnh phải thực hiện sơ cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, ép tim, cố định xương gãy… và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Thúy Nga