Hỏi: Hiện tôi đã 30 tuổi nhưng từ nhỏ tôi đã có tật khi hàm răng của tôi di chuyển (khi nói hoặc ăn) là mí mắt trái lại bị kéo lên 1 tí, gây mất cân đối. Xin hỏi, có phải bị bệnh lý không? Điều trị cách nào?
Nguyễn Văn Bình (Nghệ An)
Hội chứng Marcus Gunn. |
Trả lời: Biểu hiện của bạn có thể nghĩ ngay đến hội chứng Marcus Gunn. Đây là hội chứng gây sụp mi bẩm sinh phổ biến nhất do nguồn gốc thần kinh.
Tuy nhiên bạn không đề cập đến mình bắt đầu có những biến loạn liên quan đến nhai - vận động mắt từ bao giờ.
Hơn nữa nếu được thăm khám trực tiếp chúng tôi có thể khẳng định được chẩn đoán hội chứng trên với một vài căn bệnh có biểu hiện tương tự: tái sinh dây thần kinh số III lệch lạc hoặc hội chứng hồi phục sau liệt dây thần kinh số VII.
Hiện tượng Marcus Gunn là bệnh lý di truyền hiếm gặp, thường biểu hiện từ lúc mới sinh do Marcus Gunn phát hiện lần đầu năm 1883 trên một bệnh nhân nữ 15 tuổi có co thắt mi trên khi nhai.
Đây là hiện tượng vận động của mi mắt liên quan tới vận động hàm, một số trường hợp có bất thường thị lực, nguyên nhân chưa được làm rõ.
Nguyên nhân sâu xa có thể do:
Có cung nối bất thường giữa vỏ não và vùng dưới vỏ não
Có đường nối liên nhân não hoặc phân bố bất thường của bó dọc sau
Tồn tại kết nối liên nhân não tới các nhánh vận động của dây tam thoa( dây thần kinh số V)
Có kết nối bất thường giữa các bó thần kinh chi phối có chân bướm ngoài( dây V3) và nhánh thần kinh số III, chi phối cơ nâng mi trên
Bất thường về thần kinh ngoại biên: nhánh vận động cơ tai- thái dương vươn xa chi phối tới tận cơ nâng mi trên.
Thực tế bệnh ít ảnh hưởng tới sức khoẻ nên không có chỉ định điều trị.
Trong trường hợp lo ngại vấn đề thẩm mỹ, bạn có thể đến thăm khám trực tiếp ở các bệnh viện chuyên khoa về mắt để bác sĩ đánh giá và lựa chọn chỉ định phẫu thuật.
Sẽ có một vài trường hợp bắt buộc phải mổ khi mi bị sụp quá che mất tầm nhìn gây nhược thị hoặc có kèm lác.
Còn lại sẽ là sự lựa chọn của bệnh nhân khi không thể chấp nhận tình trạng thẩm mỹ vốn có. Chúng tôi có một vài phương án khắc phục cho bạn nhưng kết quả không thật sự tối ưu.
Nếu khe mi hai bên chênh lệch nhau quá 2 mm, một số phương pháp để can thiệp sửa chữa cơ nâng mi có thể được áp dụng để đưa mi trên về sát vùng rìa phía trên. Nếu muốn cân đối giữa hai bên thì nên bổ sung phẫu thuật treo cơ trán.
Cần nhắc lại là nhiều bệnh nhân sẽ không thỏa mãn do phẫu thuật thường khó đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao, hai mắt cân nhau tuyệt đối. Một số trường hợp hiện tượng Bell bất thường sẽ có thêm các biến chứng hở mi, lộ giác mạc và khô mắt.
BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt TƯ)