Doanh nghiệp

Masan phát hành trái phiếu cơ cấu nợ

  • Tác giả : Nhật Nam
(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP tập đoàn Masan (mã CK: MSN) vừa công bố phương án phát hành trái phiếu nhằm cơ cấu lại các khoản nợ. Trái phiếu dự kiến được phát hành ngày 26/9, là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Được biết, Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là đơn vị bảo lãnh cho đợt chào bán trái phiếu của Masan. Theo đó, Masan sẽ phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu nhằm cơ cấu nợ. Trái phiếu có mệnh giá là 100.000 đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi trả định kỳ 6 tháng một lần. Lãi suất cho năm đầu tiên dự kiến là 10% và các năm tiếp theo căn cứ vào lãi suất tham chiếu từ bốn ngân hàng quốc doanh cộng thêm biên độ 3,2%.

Với nhà đầu tư cá nhân, lượng đặt mua tối thiểu trong lần phát hành này là 100.000 trái phiếu, tương đương 10 tỷ đồng theo mệnh giá. Với nhà đầu tư tổ chức, lượng đặt mua tối thiếu là 200 tỷ đồng. Như vậy, nếu chào bán thành công hết 15 triệu trái phiếu trên, Masan sẽ thu về đủ 1.500 tỷ đồng cơ cấu nợ của doanh nghiệp này.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2019, Masan đạt doanh thu thuần đạt hơn 17.410 tỷ đồng, giảm gần 48 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó,  giá vốn bán hàng tăng mạnh gần 391 tỷ đồng so với đầu kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 130 tỷ đồng, nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so với doanh thu thuần. Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động của Masan trong 6 tháng đầu năm lên tới hơn 2.438 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 68.021 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu kỳ.

Masan đang tiến những bước vững chắc trong kế hoạch thâu tóm thị trường gia vị Việt Nam. Tính chung, hiện Masan là nhà sản xuất thịt lợn, thức ăn gia súc, nước mắm giá rẻ, mì tôm, tương ớt, cà phê uống ngay... hàng đầu Việt Nam. Masan cũng là tập đoàn hiện sở hữu mỏ Núi Pháo được đánh giá là có trữ lượng vonfram hàng đầu thế giới hiện nay.

Đáng lưu ý, dù đang là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hoạt động hàng đầu Việt Nam hiện nay, nhưng hình ảnh công chúng của Masan không thực sự tốt. Doanh nghiệp này hay xuất hiện trong những tranh luận xã hội về chất lượng sản phẩm, hay lobby chính sách.  

Nhật Nam