KINH TẾ

Ma trận dâu tây giá bèo

  • Tác giả : Thiên Bảo
Dâu tây được bán tràn lan từ chợ truyền thống, hàng rong đến chợ mạng, với giá rẻ bất ngờ, nhưng nguồn gốc không rõ ràng khiến người tiêu dùng hoang mang.

Dâu tây vốn là loại trái cây xa xỉ, thường bày bán tại các siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp với giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại TP HCM, dâu tây đang được bày bán la liệt, nhuộm đỏ cả các sạp hàng trái cây trong chợ dân sinh, vỉa hè, lẫn chợ online với giá rẻ chỉ từ 60.000 - 160.000 đồng/kg. Phần lớn được người bán giới thiệu là hàng nhập từ Đà Lạt, Mộc Châu.

Những hộp dâu tây “siêu rẻ” được bày bán tràn lan

Những hộp dâu tây “siêu rẻ” được bày bán tràn lan

40.000 đồng/hộp khoảng 500gr

Ghé vào một xe dâu tây bên đường, chị Băng Tâm (quận Tân Phú) đã mua được 3 hộp dâu tây Đà Lạt chỉ với giá 120.000 đồng, tính ra 40.000 đồng/hộp khoảng 500gr.

“Bình thường đi siêu thị thấy dâu Đà Lạt đắt quá không dám mua nhiều, nay đi làm về gặp dâu tây tươi, giá lại rẻ nên tiện thể mua vài hộp để dành ăn dần”, chị Băng Tâm chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Khoa học và Đời sống, tại một sạp hàng trái cây ở chợ Rạch Ông (quận 8), người bán giới thiệu dâu tây được nhập từ Mộc Châu với mức giá chỉ từ 80.000 - 130.000 đồng/kg, nhưng khi được hỏi về nơi cung cấp dâu tây trực tiếp, người bán có ý né tránh, không nói rõ.

“Đảm bảo dâu này là dâu Mộc Châu, bao ngon, dâu mới liên tục, về hàng bao nhiêu chị bán hết bấy nhiêu mà…”, người bán nói.

Để người mua dễ dàng lựa chọn, người bán thường xếp dâu tây vào các hộp 500gr - 1kg và chia làm 4 loại: Dâu bi có giá 30.000 đồng/hộp 500gr, dâu nhỡ 50.000 đồng/hộp 500gr, dâu to 65.000 đồng/hộp 500gr, dâu VIP 80.000 đồng/hộp 500gr.

Dù trên bao bì sản phẩm không có nhãn mác về nguồn gốc, xuất xứ, nhưng nhiều người bán tự tin giới thiệu dâu nhập 100% từ Đà Lạt hay Mộc Châu. Khi một số khách hàng nghi ngờ về mức giá, thì người bán lý giải “năm nay người dân trồng nhiều nên sản lượng dâu nhiều và rẻ”.

Ngoài chợ dân sinh, trên mạng xã hội cũng sôi động không kém. Gõ từ khóa “dâu tây giá rẻ” ở các nền tảng này sẽ xuất hiện hàng chục hội nhóm buôn bán sôi nổi, với “mức giá hấp dẫn” chỉ 30.000 đồng/hộp 500gram, nếu mua số lượng nhiều, giá có thể giảm hơn nữa.

Cẩn thận với dâu tây không rõ nguồn gốc

Hiện nay trên thị trường, ngoài các loại dâu tây được trồng ở Việt Nam như: Mộc Châu, Đà Lạt, Sơn La thì còn có dâu tây “nhập khẩu” giá rẻ, hình thức bắt mắt khiến người mua khó có thể phân biệt.

Chị Nguyễn Thị Thùy, chủ một vườn dâu tại Đà Lạt cho biết, hiện tại giá trung bình tại các nhà vườn khoảng 140.000 – 250.000 đồng/kg (tùy loại), đắt 3 – 4 lần so với dâu tây “nhập khẩu” đang được bày bán trên thị trường.

“Dâu tây được nhập từ Trung Quốc về rất rẻ. Giá tùy size, chỉ vài trăm ngàn đồng một thùng, loại đẹp nhất cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/thùng 15kg”, chị Thùy chia sẻ.

Dâu tây Đà Lạt (bên trái) có hình dáng không đồng đều, to vừa phải còn dâu tây Trung Quốc (bên phải) khá đồng đều, to và đẹp.

Dâu tây Đà Lạt (bên trái) có hình dáng không đồng đều, to vừa phải còn dâu tây Trung Quốc (bên phải) khá đồng đều, to và đẹp.

Anh Bùi Hoàng Quân, chủ cửa hàng trái cây cao cấp Bốn Mùa ở TP.Thủ Đức cũng cho biết, đã có rất nhiều người mua phải hàng Trung Quốc mặc dù người bán quảng cáo là chính gốc Mộc Châu hay Đà Lạt. Vì vậy người tiêu dùng cần phân biệt rõ giữa hai loại này dựa trên vẻ ngoài của chúng.

Cụ thể, dâu tây Mộc Châu hay Đà Lạt có hình dáng quả không đồng đều, kích thước vừa phải, quả mềm, thường to ở phía đầu quả và thon dần về chóp, mùi thơm dịu. Dâu tây trồng tại Mộc Châu 100% là giống Nhật Bản, trọng lượng từ 10gram đến 30gram. Trong khi dâu tây Trung Quốc đồng đều hơn, quả cứng, mịn và có kích thước to hơn.

Về màu sắc, dâu tây Mộc Châu, Đà Lạt có màu đỏ không đồng đều, phần cuống có xen kẽ chút màu trắng. Còn dâu tây Trung Quốc có màu đỏ sẫm từ đầu đến cuống, màu đẹp nên rất bắt mắt.

Thịt quả cũng là đặc điểm quan trọng để nhận biết dâu tây Mộc Châu với Trung Quốc. Dâu Mộc Châu có màu đỏ nhạt xen trắng và có vị ngọt và chua thanh, còn đối với dâu Trung Quốc khi bổ ra có nhiều màu trắng, xốp và không có mùi thơm mấy.

Ngoài ra, “người tiêu dùng cũng có thể dựa vào thời gian bảo quản để nhận biết vì dâu tây Trung Quốc có thể để từ 7 đến 10 ngày trong môi trường nhiệt độ 25 - 32 độ C mà không hề bị héo hay thối quả, trong khi dâu tây Đà Lạt chỉ để tối đa là 2 ngày”, anh Hoàng Quân chia sẻ.

Dâu tây có tên khoa học là Fragaria hay còn gọi là dâu đất, là một chi thực vật hạt kín và loài thực vật có hoa thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).

Dâu tây có xuất xứ từ châu Mỹ và được các nhà làm vườn châu Âu cho lai tạo vào thế kỷ 18 để tạo nên giống dâu tây được trồng rộng rãi như hiện nay.

Ở Việt Nam, với khí hậu mát mẻ của miền núi Đà Lạt là môi trường thích hợp với việc canh tác dâu nên đầu thập niên 1940, người Pháp đã đưa cây dâu vào vùng cao nguyên này để trồng và phát triển như ngày nay.

Thiên Bảo