Không nên dùng giấy bạc bọc thực phẩm.
Nhôm trong giấy bạc gây suy thận, mất trí nhớ
GS Ghada Bassioni, Trưởng Khoa hóa học thuộc Đại học Ain Shams (Ai Cập) và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu về việc sử dụng nhôm trong nấu nướng và chuẩn bị món ăn. Giấy bạc là đồ dùng một lần và bạn sẽ không thể tạo ra một lớp trơ trước khi sử dụng nó.
Nghiên cứu của GS Bassioni khám phá ra rằng, lượng nhôm thâm nhập vào thức ăn trong quá trình đun nấu thực phẩm bọc trong giấy bạc vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các nhà khoa học đã phát hiện nồng độ nhôm cao trong mô não của các bệnh nhân Alzheimer. Hấp thu lượng lớn nhôm có thể gây hại ở một số bệnh nhân mắc bệnh xương hoặc suy thận. Nó cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng của các tế bào não người.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, giấy bạc hay còn gọi là giấy nhôm là loại giấy sử dụng phổ biến trong thực phẩm. Lớp nhôm cán mỏng giúp thực phẩm có đủ nhiệt lượng để chín mà không bị cháy.
Giấy bạc rất nhẹ, mỏng và rất đa dụng bởi loại giấy này có thành phần kim loại dễ dàng tạo hình, bọc, gói, phủ lên trên hoặc lót phía dưới khi nấu nướng và bảo quản thức ăn.
Cách dùng giấy bạc phổ biến là chỉ cần lấy giấy bạc bọc bên ngoài hoặc phủ lên khuôn nướng, thức ăn chín từ từ, chín kỹ mà không bị bay hơi hay mất mùi, không cháy. Đây là một vật liệu tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe.
Ở nhiệt độ cao, lượng nhôm trong giấy bạc bọc thực phẩm sẽ hòa tan vào thức ăn, sau đó xâm nhập bên trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Không ai biết những tờ giấy nhôm cán mỏng đó được làm bằng gì, liệu có tạp chất gì không. Chỉ đơn giản một sơ xuất nhỏ là khi bọc thực phẩm để nướng, trong thực phẩm hoặc do cách chế biến có axit, bazơ thì nó sẽ phản ứng với nhôm trong giấy bọc, gây ra những chất độc cho cơ thể. Tốt nhất là nên hạn chế việc sử dụng giấy bạc trong chế biến thực phẩm để bảo vệ sức khỏe”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho hay.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho rằng, đối với thói quen sử dụng giấy bạc để lưu trữ thực phẩm, kể cả thực phẩm đông lạnh, cần lưu ý là không dùng giấy bạc lưu trữ thực phẩm giàu axit như trái cây có vị chua, món ăn có giấm…
Phòng tránh nhiễm kim loại
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết thêm, nhôm là loại phân tử có hoạt tính cao, đặc biệt là sau khi chịu nhiệt, gặp phải thức ăn có chất chua và tính kiềm phản ứng hóa học lại càng dễ xảy ra, hình thành chất hỗn hợp nhôm.
Vi lượng nhôm sẽ hòa tan vào thức ăn, sau đó xâm nhập vào bên trong cơ thể con người dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình lão hóa, ảnh hưởng đến trí não.
Do đó, không nên dùng lá nhôm bọc thực phẩm trong lò vi sóng hoặc nướng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mức an toàn là 40mg nhôm trên một kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Vậy với những loại đồ dùng làm bếp bằng nhôm như nồi, chảo nhôm thì có khả năng phôi nhiễm kim loại không? PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho rằng, đây cũng là một nguồn lây nhiễm kim loại nếu người dùng không để ý những nguyên lý chung của kim loại.
Xoong nồi và các đồ dùng nhà bếp khác có xu hướng bị oxy hóa, sử dụng lâu ngày sẽ tạo nên một lớp trơ ngăn nhôm thẩm thấu vào thức ăn. Vấn đề chỉ là phải xử lý khi mới mua về bằng cách nấu nước sôi nhiều lần cho đến khi đáy nồi trở nên nhờ nhờ do quá trình oxy hóa tự nhiên.
Lớp nhờ nhờ này khiến xoong nồi không sáng đẹp, nhưng lại ngăn sự thẩm thấu nhôm vào thức ăn, tốt hơn cho sức khỏe. Trong trường hợp này thì nồi nhôm lại an toàn.
“Khi thích ăn món nướng, tốt nhất là nên cuốn lá chuối hoặc dùng bùn để nướng, thực phẩm sẽ có vị thơm ngon hơn và an toàn cho sức khỏe hơn. Càng ngày thì sự tiện lợi càng đi liền với các nguy cơ về sức khỏe.
Do đó, nên trở về các cách chế biến truyền thống để đảm bảo sức khỏe không bị ảnh hưởng bởi các món ăn khoái khẩu”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng nhận định.
Bảo Khánh