Dữ liệu y khoa

Lưu ý khi trẻ nhiễm COVID-19 bị nổi mày đay

  • Tác giả : Hương Cát
3 ngày trước khi test COVID-19, bé Nguyễn M.G. (8 tuổi, Tân Bình, TPHCM) bị nổi dị ứng mỗi đêm. Sau khi có kết quả dương tính, lại không thấy nổi mày đay nữa. Tuy nhiên, đến ngày thứ 7, khi test nhanh cho kết quả âm tính, bé M.G. hết sốt, không ho, nhưng lại bắt đầu nổi mày đay khoảng 2 - 3 ngày.

Phát ban mày đay có liên quan trước, trong và sau nhiễm Covid-19

Theo ThS.BS Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mày đay là bệnh đặc trưng bởi các hồng ban sẩn phù gờ cao do sự phóng thích histamin và các chất hoạt mạch từ dưỡng bào.

noi-man.jpg
Trẻ có thể phát ban mề đay trước, trong và sau nhiễm Covid-19.  Ảnh minh họa

Mày đay có thể bị khởi phát bởi nhiều cơ chế khác nhau do dị ứng và không dị ứng. Một nữa số ca mày đay cấp tính, dưới 6 tuần, không tìm được nguyên nhân gây khởi phát, 40% còn lại là do nhiễm khuẩn hô hấp trên, 9% do thuốc và 1% là do thức ăn. Nhiễm Covid-19 có liên quan tới phát ban mề đay trước, trong và sau nhiễm.

ThS.BS Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết thêm, nổi mày đay ở da cũng có thể là một dấu hiệu nhiễm Covid-19. Những sang thương này thường xuất hiện đột ngột và kéo dài, có thể nhanh chóng xuất hiện; nhanh chóng biến mất kèm theo theo cảm giác ngứa dữ dội.

Sang thương xuất hiện trên mọi vị trí của cơ thể, kể cả mặt. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 có thể gặp phải triệu chứng này khá sớm và cũng có thể kéo dài, kể cả khi đã khỏi bệnh.

Nguyên nhân gây mày đay ở một số trẻ như bệnh nhi nói trên có thể là một biểu hiện da của nhiễm Covid-19, nhưng cũng có thể là do nguyên nhân khác.

ThS.BS ThS.BS Trần Ngọc Khánh Nam lý giải, mày đay có cơ chế phức tạp và có nhiều yếu tố tác động. Một số yếu tố có thể gây khởi phát như kích thích từ môi trường (côn trùng cắn, phấn hoa, mùi thơm…), thai kỳ, thức ăn (dâu tây, trứng, các loại hạt, hải sản có vỏ), nhiễm HP, nhiễm ký sinh trùng.

Vì vậy, việc triệu chứng mất đi trong khoảng thời gian bệnh nhi bị dương tính với Covid-19 cần có thêm các thông tin về các thuốc đã và đang sử dụng khi trẻ bị bệnh. Vì nếu trẻ có dùng kháng histamin hay corticoid, bệnh cũng sẽ đáp ứng.

Nước và oxit kẽm có thể giúp bé giảm tạm thời cơn ngứa trong khi chờ đợi để được thăm khám với bác sĩ da liễu, nếu tình trạng dị ứng da không thuyên giảm.

Cần theo dõi trẻ sau mắc Covid-19 khoảng 3 tháng

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, đến thời điểm hiện tại, khoảng 200 trường hợp trẻ đến khám ngoại trú và nhập viện do di chứng hậu Covid-19.

Trong đó, 115 trường hợp bị viêm đa hệ thống phải nhập viện theo dõi điều trị thuốc chống viêm, chống đông máu… Trong số trẻ viêm đa hệ thống, có khoảng 10% trẻ có biểu hiện nặng khi lâm vào tình trạng sốc, suy hô hấp, phản ứng viêm hoặc tổn thương cơ quan nặng.

điều trị Covid-19 ở trẻ em
Các bác sĩ lưu ý, nếu trẻ sau khi khỏi Covid-19 vẫn chơi và sinh hoạt bình thường, không than phiền gì, phụ huynh không nên quá lo lắng và tiếp tục theo dõi trẻ thêm ít nhất ba tháng nữa.

Đa phần các trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống chưa tiêm văcxin ngừa Covid-19 hoặc tiêm chưa đầy đủ. Sau khi văcxin ngừa Covid-19 được triển khai cho nhóm trẻ lớn từ 12 - 18 tuổi, hội chứng viêm đa hệ thống chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ nhỏ hơn.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, hậu Covid-19 thường xảy ra khoảng từ 2 - 6 tuần sau khi mắc bệnh. Phụ huynh thường đưa con em đến khám với nhiều biểu hiện. Trong đó trẻ bị các triệu chứng liên quan đến tâm thần - tâm lý như suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung, học hành sa sút, mất ngủ. Một số trẻ bị trầm cảm, thay đổi tinh thần, hành vi tâm lý.

Bên cạnh đó, trẻ đi khám do mệt, thở hụt hơi, ho có nhiều đàm, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng hay gặp khó khăn trong vận động. Ví dụ, trước đây trẻ leo cầu thang không biết mệt, giờ phải nghỉ giữa chừng mới leo tiếp được. Trẻ cảm thấy vận động khó khăn, lâu lâu thấy mệt, phải thở lấy hơi.

Sau khi mắc Covid-19, trẻ cũng có những biểu hiện đa dạng khác như rụng tóc, khô đầu móng tay, chân, rối loạn tiêu hóa, đau đầu…

Ngoài ra, theo BSCKII Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, một số trẻ có nhịp tim không cao nhưng lại ngất, trong khi từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ ngất. Sau khi khảo sát, không có bằng chứng ở các bệnh lý, bác sĩ nghĩ tới có thể do hậu Covid-19.

Các bác sĩ lưu ý, phụ huynh nếu thấy trẻ sau khi khỏi Covid-19 vẫn chơi và sinh hoạt bình thường, không than phiền gì, không nên quá lo lắng và tiếp tục theo dõi trẻ thêm ít nhất ba tháng nữa.

Trẻ có bệnh lý nền, trẻ từng mắc Covid-19 nặng, sau khi khỏi bệnh, phụ huynh cần theo dõi và đưa trẻ đi tái khám.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ hiếm trẻ mắc Covid-19 nhẹ, không cần điều trị nhưng bị hậu Covid-19 lại rất nặng, có thể dẫn đến tử vong. Hậu Covid-19 đôi lúc không tương ứng với độ nặng nhẹ khi trẻ lúc bệnh.

BSCKII Nguyễn Thanh Hải (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM)

Hương Cát