KINH TẾ

Lùi hạn mở cửa khẩu tới cuối tháng 2: Khẩn trương điều tiết sản xuất

  • Tác giả : Vân Tuyết
(khoahocdoisong.vn) - Phía Trung Quốc thông báo nhiều chợ vùng biên tiếp tục đóng cửa do dịch virus corona (nCoV). Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp và người dân khẩn trương có biện pháp điều tiết sản xuất, hạn chế đưa hàng lên biên giới, trừ trường hợp xuất khẩu chính ngạch...

Theo Bộ Công Thương, thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2/2020. Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam, hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của nCoV, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản. Hiện tại, các doanh nghiệp đã chủ động có các biện pháp điều tiết nên lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân chậm lại đáng kể. Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, tính tới sáng ngày 09/02/2020, tại tỉnh Lạng Sơn chỉ tồn 173 xe thanh long, tại tỉnh Lào Cai là 152 xe, không tăng nhiều so với cuối tháng 1/2020.

Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam chỉ ảnh hưởng tới hàng hóa đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, khả năng hai bên có thể sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu là không nhiều.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp và người dân khẩn trương có biện pháp điều tiết sản lượng, không sử dụng các biện pháp để gia tăng sản lượng vào thời điểm này đối với các loại nông sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Với những diện tích chưa gieo trồng, kiến nghị xem xét chuyển sang các loại nông sản khác. Đối với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, cần đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch.

Vân Tuyết