Tốt cho sức khỏe mắt: Cà rốt cung cấp một lượng lớn beta-carotene và các carotenoid khác được biết đến để bảo vệ sức khỏe của mắt. Lutein và zeaxanthin có khả năng lọc ánh sáng bước sóng ngắn và hoạt động như chất chống oxy hóa. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều lutein và zeaxanthin có liên quan đến nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) thấp hơn.
Hỗ trợ sức khỏe xương: Cà rốt chứa kali và vitamin K, hai chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe xương. Một lý thuyết cho rằng tiêu thụ thực phẩm có kali có thể bảo vệ mô xương thông qua sự cân bằng axit-bazơ của nó. Vitamin K cũng đã được nghiên cứu về vai trò của nó trong việc bảo vệ sức khỏe xương.
Cà rốt là một loại rau củ bổ dưỡng, tiện lợi, đa năng - Ảnh: Getty |
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa: Cà rốt, giống như tất cả các loại trái cây và rau quả, đều chứa chất xơ. Chất xơ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Chế độ ăn nhiều chất xơ có thể cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột và có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Giảm cholesterol trong máu: Cà rốt chứa chất chống oxy hóa và chất xơ, hai thành phần quan trọng của sức khỏe tim mạch. Chất chống oxy hóa như beta-carotene có thể giúp giảm viêm, trong khi chế độ ăn nhiều chất xơ được khuyến nghị như một thay đổi lối sống để hỗ trợ giảm cholesterol.
Hỗ trợ nỗ lực giảm cân: Do thành phần dinh dưỡng cao và lượng calo thấp, cà rốt là một sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ giảm cân hoặc duy trì cân nặng.
Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường: Giống như bông cải xanh và cải xoăn, cà rốt là một loại rau không chứa tinh bột và có thể được đưa vào chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường.
Hỗ trợ chức năng miễn dịch: Cà rốt chứa provitamin A (beta-carotene) và vitamin C, hai loại vitamin thiết yếu cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Cải thiện sức khỏe làn da: Vitamin C rất quan trọng đối với quá trình tổng hợp collagen, có thể ảnh hưởng đến độ đàn hồi của da. Các sắc tố của cà rốt có thể giúp bạn có làn da sáng khỏe và bảo vệ bạn khỏi tia cực tím (UV) có hại.