Đặc sản nậm pịa chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lào Cai,... Ngoài thành phần chính là pịa, người địa phương còn chế biến món ăn này với nội tạng của động vật như dạ dày, tiết, lòng, tim, gan… nên có mùi rất khó ngửi.
Bún cua thối cũng là đặc sản kén người ăn ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai. Với ai lần đầu thưởng thức sẽ không khỏi dè chừng trước món bún cua thối nhưng nếu đã ăn quen thì sẽ cảm nhận được vị ngon đặc trưng.
Lẩu mắm là món ăn dân dã mang đậm hương vị miền Tây, nổi tiếng nhất là ở vùng đất U Minh (tỉnh Cà Mau). Tuy nhiên, đặc sản này lại kén người ăn, khiến du khách dè chừng vì phần nước dùng làm từ mắm có mùi vị khá nồng và đậm.
Da trâu thối (hay còn gọi là năng min) là một món ăn kén người thưởng thức của người Thái vùng Tây Bắc. Da trâu thối lại khiến nhiều du khách chỉ nghe tên và ngửi mùi cũng đủ "toát mồ hôi", không dám thưởng thức.
Nằm trong top đặc sản kén người ăn phải kể đến thịt thối Mường La. Thịt thực sự có mùi gây ám ảnh nhưng với người Mường La, đây là loại đặc sản có hương vị đặc biệt.
Sầu riêng được mệnh danh là “vua trái cây” bởi hương vị béo ngậy, thơm lừng cùng giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, mùi hương nồng nàn của sầu riêng lại là “rào cản” khiến nhiều người e dè.
Bún mắm nêm là món bún với nước dùng được nấu từ mắm nêm, mang hương vị đậm đà, mặn mà đặc trưng của miền biển. Tuy nhiên, mùi nồng của mắm nêm lại là thử thách đối với những ai không quen.
Được chế biến từ nội tạng của ngựa gồm các loại tim, gan, tiết, lòng… thắng cố là món ăn “khó nuốt” nếu thực khách lần đầu trải nghiệm.
Mắm tôm là linh hồn của nhiều món ăn dân dã như bún đậu mắm tôm, chả cá Lã Vọng,... Tuy nhiên, mùi hương nồng nàn, hơi tanh của mắm tôm lại khiến nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài phải “chào thua”.