Khoa học & Công nghệ

Loạn thủy điện - Kỳ 2: Cách vận hành gây mất an toàn

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Quá nhiều thủy điện, trong khi nhân lực có hạn, người có trình độ chuyên môn không nhiều, cách vận hành kiểu “được chăng hay chớ”, có lũ thì xả, không đầu tư dự báo khiến các hồ thủy điện tiềm ẩn nguy cơ gây lũ lụt nhân tạo cho người dân hạ du.

Hồ chứa làm gia tăng lũ

TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, các quy định về chế độ vận hành phòng, chống lũ; điều tiết nước bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu  dưới hạ du... chưa được xem xét đúng mức trong quá trình hoàn chỉnh, thẩm định phê duyệt quy trình vận hành các công trình thủy điện. 

Theo nghiên cứu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, nhiều công trình chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy trình vận hành, gây hậu quả xấu cho hạ du và mất an toàn cho bản thân công trình. Trong xây dựng cũng như quản lý vận hành công trình, nhiều chủ đầu tư hoặc chủ công trình không thực hiện việc thu thập thông tin khí tượng, thủy văn cần thiết nên thường vận hành không hợp lý, có trường hợp gây lũ về sớm, lên quá nhanh, làm gia tăng mức độ ngập lụt như trong lũ lụt năm 2009 ở hạ lưu sông Hương - Bồ (do sự cố vận hành cửa van công trình thủy điện Bình Điền), sông Vu Gia – Thu Bồn (do xả nước từ công trình A Vương), sông Ba (do vận hành xả lũ của công trình sông Ba Hạ); trong lũ lụt lịch sử ở Hà Tĩnh, Quảng Bình (do sự cố thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ)... 

Thực tế, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia là đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với các công trình thủy điện này thực hiện việc dự báo. Ở các công trình thủy điện lớn do Nhà nước xây dựng, quy trình này được thực hiện khá nghiêm ngặt. Trước mỗi đợt lũ sẽ có những tính toán về lưu lượng nước, dòng chảy để tính toán việc xả nước hồ chứa sao cho không gây nhiều thiệt hại cho hạ du. Thế nhưng để đầu tư vào việc này lại tốn kém, nhiều thủy điện nhỏ và vừa không quan tâm bởi kinh phí lớn.

Gia tăng rủi ro

Một vấn đề gia tăng rủi ro của các công trình thủy điện chính là đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn để quản lý vận hành công trình còn mỏng và yếu, khó đảm đương công tác vận hành an toàn khi có thiên tai mưa lũ lớn. Theo TS Lê Bắc Huỳnh, số lượng các chuyên gia trong lĩnh vực này không nhiều, trong khi đó, thủy điện phát triển ồ ạt không có quy hoạch đồng bộ về nguồn nhân lực. Thế nên nhiều khi cứ thấy lũ về là xả, hết nước phát điện thì tích lại. Có khi, thủy điện xả lũ đột ngột mà chẳng báo cho dân, lũ nhân tạo ào xuống quá nhanh, ruộng vườn cây cối ngập chìm trong nước, dân chẳng thể kịp đối phó.

Một bất cập nữa là duyệt quy trình hồ thủy điện do Bộ Công Thương, nhưng duyệt quy trình vận hành liên hồ (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) lưu vực sông do Bộ TN&MT chịu trách nhiệm. Quy trình vận hành liên hồ ban hành chậm, hoặc chậm được cập nhật vì xây dựng quy trình liên hồ trên một lưu vực sông là khá khó khăn do có rất nhiều hồ chứa (cả thủy lợi và thủy điện), phần lớn các hồ thủy điện chỉ lo phòng lũ cho bản thân công trình, không có dung tích phòng lũ cho hạ du (trừ một số hồ rất lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La...), sau khi đã trữ hết phần dung tích phòng lũ cho công trình, lũ vẫn về thì phải xả lũ lớn để bảo đảm an toàn công trình, thì hạ du lĩnh đủ. 

(còn tiếp)

Việc thi công xây dựng và vận hành công trình không bảo đảm phương án chống lũ cần thiết hoặc không an toàn dẫn đến vỡ đập gây hậu quả nghiêm trọng (như vỡ đập Cửa Đạt năm 2007, đập Ia Krel năm 2013 khi đang thi công, vỡ đập Khe Mơ năm 2010 khi đang sửa chữa; vỡ đập Z20, đập Thầu Dầu năm 2008. Mới đây nhất là tình trạng vỡ một số đập do mưa lũ, chắc chắn không thể tránh khỏi nguyên nhân do vận hành không đúng quy trình.

Hà Bình