Do sống ẩn dưới đất hoặc dưới lớp thảm mục thực vật, mắt của loài vật này gần như không phát triển và được phủ kín bởi vảy.
|
Trong một khám phá đáng chú ý, các nhà khoa học đã phát hiện một loài động vật mới tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Loài này được đặt tên thằn lằn mù, tên khoa học là Dibamus deimontis, phản ánh địa danh nơi chúng được tìm thấy, với “deimontis” trong tiếng Latin có nghĩa là "núi Chúa". (Ảnh: Research Gate) |
|
Dibamus deimontis thuộc họ Dibamidae, có chiều dài cơ thể tối đa 13,6 cm và chiều dài đuôi trung bình khoảng 3 cm. Màu sắc của chúng thay đổi từ nâu xám đến nâu hồng, với các đốm xám lớn không đồng đều trên cơ thể. (Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) |
|
Do sống ẩn dưới đất hoặc dưới lớp thảm mục thực vật, mắt của chúng gần như không phát triển và được phủ kín bởi vảy. (Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) |
|
Loài này không có chi trước, và chi sau chỉ xuất hiện ở mẫu đực nhưng rất sơ khai. (Ảnh: Species New to Science) |
|
Một đặc điểm quan trọng giúp phân biệt Dibamus deimontis với các loài khác trong cùng giống là sự hiện diện của các đường rãnh nhỏ không hoàn chỉnh trên môi và mũi.(Ảnh: Tetrapod Zoology) |
|
Dibamus deimontis được tìm thấy ở độ cao từ 670 đến 700 mét so với mực nước biển, chủ yếu ở những khu vực ẩm ướt, cạnh các vũng nước nhỏ hoặc ven suối. Chúng thường ẩn mình dưới đá hoặc trên tảng đá lớn được phủ kín bởi rêu, dương xỉ và thảm mục. Khi bị quấy rầy, chúng sẽ ngọ nguậy liên tục để thoát thân từ trên đá xuống đất và nhanh chóng lẩn trốn tương tự như các loài giun.(Ảnh: ResearchGate) |
|
Việc phát hiện loài thằn lằn mù mới này không chỉ mở rộng hiểu biết về đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Núi Chúa mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các loài động vật đặc hữu của Việt Nam. Đây là loài thứ tám thuộc giống Dibamus được ghi nhận ở Việt Nam, cho thấy sự phong phú và đa dạng của hệ sinh thái nơi đây. (Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) |
|
Phát hiện này là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga, được công bố trên tạp chí khoa học Zootaxa vào đầu tháng 2/2024.(Ảnh: X.com) |
Mời quý độc giả xem thêm video: Loài cá chỉ Việt Nam có, vào Sách đỏ vì săn bắt bất chấp.