Dữ liệu y khoa

Lò xo kim loại nút phình động mạch não

  • Tác giả : N.Hà
Khi đã xác định chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch não thì bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng bị chảy máu tái phát và điều trị những biến chứng do chảy máu dưới nhện gây ra. Can thiệp mạch nút túi phình mang lại nhiều ưu thế.

Hai phương pháp điều trị

PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, hiện có hai phương pháp chính điều trị phình động mạch não là:

- Phẫu thuật: Mổ mở, tìm túi phình và kẹp ngang cổ túi bằng kẹp kim loại (clip).

- Can thiệp mạch: Là phương pháp không mổ, sử dụng ống thông đi trong lòng mạch nhờ màn hình dẫn đường, đưa ống thông vào lòng túi phình và nút đầy túi phình bằng lò xo kim loại (coil). Một ống thông dẫn đường kích thước 2mm được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên động mạch chủ bụng - ngực và dừng lại ở gốc động mạch tại nền cổ. Một ống thông nhỏ được đưa qua ống thông dẫn đường để lên não, đầu ống được đưa vào giữa túi phình động mạch não.

nut-phinh.jpg
Lò xo kim loại nút phình động mạch não.

Qua ống thông đó, các cuộn lò xo kim loại bằng platinum nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào lòng túi phình để làm tắc hoàn toàn túi phình. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác. Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc động mạch đùi để cầm máu.

Nếu là phình động mạch não chưa vỡ thì chỉ cần nằm viện 2 - 3 ngày sau can thiệp, không cần điều trị gì đặc biệt. Ngược lại, nếu là phình động mạch não đã vỡ: Cần nằm viện 7 - 14 ngày hoặc lâu hơn để theo dõi và điều trị tích cực tình trạng rối loạn do chảy máu dưới nhện gây ra. Bệnh nhân có thể trở lại công việc sau khi bình phục. Kỹ thuật này đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại và phẫu thuật viên có trình độ cao.

Can thiệp điều trị phình động mạch não, kể cả đã vỡ hoặc chưa vỡ, có thể xảy ra tai biến, biến chứng: Chảy máu não hoặc tắc mạch não trong quá trình can thiệp, phù não tiến triển nặng lên, co thắt mạch não… Nếu mức độ nặng có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế với tỷ lệ khoảng 1 - 2% số bệnh nhân. Bệnh nhân đã bị chảy máu não do vỡ túi phình thì nguy cơ bị tai biến biến chứng cao hơn những bệnh nhân khác.

Các biện pháp có thể phòng ngừa phình vỡ mạch máu khá ít và hạn chế gồm: Bỏ thuốc lá; Kiểm soát tốt huyết áp dựa trên chế độ ăn lành mạnh và uống thuốc đều đặn.

Chỉ định can thiệp

Đối với phình mạch não chưa vỡ không triệu chứng: Khuyến cáo can thiệp/phẫu thuật khi kích thước túi phình > 7 - 10mm.

Đối với phình động mạch não vỡ: Thời điểm phẫu thuật/can thiệp nếu bệnh nhân không có triệu chứng hoặc đau đầu nhẹ, hoặc đau đầu nhiều, gáy cứng nhưng không có triệu chứng thần kinh khu trú (trừ liệt dây thần kinh sọ), hoặc suy giảm ý thức nhẹ, triệu chứng thần kinh khu trú nhẹ can thiệp/phẫu thuật nên được thực hiện sớm trong 24 - 72h.

Nếu bệnh nhân hôn mê, triệu chứng liệt nặng, tiên lượng thường xấu. Quyết định điều trị tùy thuộc từng trường hợp cụ thể. Bởi vì phẫu thuật trong trường hợp này có thể có nhiều biến chứng hơn là trì hoãn 10 - 14 ngày. Hơn nữa, tình trạng phù não và cục máu đông quanh chỗ phình có thể làm phẫu thuật khó khăn hơn.

 Phình mạch máu não là một bệnh lý tiềm ẩn, khi túi phình vỡ ra cần phải điều trị ngay lập tức. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên duy trì lối sống lành mạnh để ngăn không cho bệnh bùng phát. Người bệnh luyện tập thể dục vừa phải và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ vỡ túi phình. Đặc biệt, người bệnh có thể tìm đến các bác sĩ thần kinh gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

N.Hà