Khám phá

Lê Hiến Phủ - phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt

  • Tác giả : Nguyễn Thành Hữu
(khoahocdoisong.vn) - Lê Hiến Phủ - phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt. Trong tâm thức của nhân dân, ông không chỉ là vị quan văn võ song toàn, trung nghĩa đối với nhà Trần mà còn được suy tôn là bậc thánh.

Dòng dõi Tô Hiến Thành 

Danh sĩ Lê Hiến Phủ đời Trần Duệ Tông, không rõ năm sinh. Về quê hương của ông, cũng có nhiều tư liệu ghi chép khác nhau. Sách viết ông người làng Chính An, huyện Ðông Triều, lộ Hải Đông (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

 Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi ông người huyện Đông Kết, phủ Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay. Còn theo thần tích ở Nam Định, ông quê trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Riêng thần tích đền Thượng Lao và đền Xối Thượng ở Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định cho biết, ông vốn dòng dõi Thái phó Tô Hiến Thành thời Lý; đến đời Trần, có người cháu xa là Tô Hiến Chương, từng làm quan tại Gia Viễn, Ninh Bình, vì sợ mưu sát nên đổi họ là Lê Hiến Thái, dời đến trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, sau lấy người con gái cùng trang là Lê Thị Nga.

Hai ông bà ăn ở hiền lành, tính tình nhân hậu, hay làm phúc cứu giúp người nghèo khó lại có công đem nghề dệt dạy cho dân trong vùng nên được mọi người quý mến, kính phục. Hiềm nỗi, vợ chồng Lê Hiến Thái mãi vẫn chưa có con. Tương truyền, sau một lần hai người mang lễ vật đến cầu tự tại Hương Sơn, bà Lê Thị Nga có thai.

Ngày 10/02 năm Tân Tỵ (1341) bà Lê Thị Nga sinh được hai người con trai, liền đặt tên là: “ Đại Đồng” và “Tiểu Đồng”, khi lớn lên đi học mới đổi tên thành Lê Hiến Phủ và Lê Hiến Tứ. Hai anh em tư chất thông minh, học hành  chăm chỉ và tấn tới; thầy dạy của họ là Tiến sĩ Đào Toàn Bân, người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, nay là thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định.

Một nhà khoa bảng hai người đỗ

Mùa xuân năm Giáp Dần (1374), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về cung Trùng Hoa ở phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình. Khi đi thi, để tránh phạm huý tên Thượng hoàng (Trần Phủ) Lê Hiến Phủ phải đổi tên thành Lê Hiến Giản. 

Khoa thi năm đó, con của thầy học là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Tại đền Thượng Lao ngày nay còn đôi câu đối ca ngợi: Nhất môn khoa hoạn song đăng bảng - Vạn cổ cương thường biệt lập căn (một nhà khoa bảng hai người đỗ - Muôn thuở cương thường một nếp riêng).

Sau khi đỗ đạt, Lê Hiến Giản được Triều đình bổ làm Trấn thủ Phủ Thiên Trường, ông có công mở đất vùng Giao Thủy, Xuân Trường, ít lâu sau được triệu về cung làm quan tới chức Ngự sử Trung Đại phu. Còn Lê Hiến Tứ ban đầu trấn thủ tại Cao Bằng, có công dẹp giặc ở vùng Quảng Nguyên (nay là Quảng Ninh), về sau cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành thắng lợi, được vua thăng: Trấn nam Tướng quân và làm quan đến chức Hạ đại phu.

Mặc dù làm quan to trong triều đình nhưng hai ông vẫn nhớ quê hương, nên đã xin nhà vua cho về xây dựng hành cung tại trang Thượng Lao, giúp dân tiền của, khơi sông đào ngòi “dẫn thủy nhập điền” đắp đường chia ruộng thành ô kiểu chữ Tỉnh, khuyên dân ăn ở cho tiện cấy trồng và mở mang đồng ruộng.

Đồng thời cho đào một con ngòi dẫn nước quanh làng, thông với sông Đào, sông Hồng để tưới tiêu cho cánh đồng các xã: Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì nay là 4 thôn của xã Nam Thanh. Từ đây thuyền bè đi lại thông ra sông Hồng được dễ dàng.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu