PV Khoa học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ xung quanh câu chuyện trên.
Lễ Phật, cúng dường, vãn cảnh và giao tiếp văn hoá
Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa đẹp truyền thống của người Việt, nên được khuyến khích, thưa các Ông?
PGS.TS Lâm Bá Nam |
PGS.TS Lâm Bá Nam: Trước hết phải nói rằng lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa của người Việt. Người ta đến chùa thành tâm để tìm lại sự an lành trong cuộc sống. Đây là mong muốn và cũng là quan niệm, phong tục tốt. Bởi người dân coi chùa, đền là nơi thanh tịnh, bày tỏ nỗi niềm của bản thân trước khát vọng của một năm mới.
Trước đây, người dân hay đến những ngôi chùa làng ngay nơi mình sinh sống. Thậm chí nhiều nơi, người dân còn xin lửa từ chùa để cầu may mắn cho một năm mới. Ngày nay, do phương tiện đi lại thuận tiện, ngoài chùa làng, nhiều người còn đi các chùa xa, chùa nổi tiếng, nơi có cảnh đẹp... Người dân đi chùa còn có nhiều tâm tư, nguyện vọng riêng của cá nhân. Nhưng cái chung là cầu sự bình an, may mắn cho một năm mới.
Nhà văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ |
Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Đi lễ chùa ngày xuân là đến chốn cửa Phật. Người ta đến đó với những mục đích như: lễ Phật, cúng dường công đức, vãn cảnh và giao tiếp văn hoá. Trong đó, lễ Phật là mục đích quan trọng nhất. Trong lễ Phật, có 5 loại lễ tốt đẹp là lễ bái thành tâm cung kính, lễ bái mong cầu trí tuệ thanh tĩnh, lễ bái để đạt pháp giới nhà Phật, lễ bái tính Phật trong chính tâm mình, lễ bái cho sự hoà đồng tâm mình với tâm Phật.
Lễ chùa… cầu gì, khấn gì?
Quan niệm của đạo Phật chủ yếu là ban phát ước vọng cho mọi người có tâm bình an, hướng thiện, sống bình yên chứ không ban tiền tài, danh vọng. Do đó, người đi lễ chùa cần lưu ý, không xin vật chất, chỉ xin sức khỏe, may mắn, an lành. Khi khấn phải thành tâm, nói những lời đẹp đẽ nhất.
Thực tế có tình trạng xấu xí đi lễ… ăn mặc, hành xử phản cảm, lạm dụng cúng lễ, cầu tài lộc?
Ông Nguyễn Hùng Vĩ: 2 điều kiêng kỵ khi lễ chùa là lễ bái với tâm trạng kiêu mạn và lễ bái để cầu danh. Khi đến chốn cửa Phật, về lễ thường thực hành các động thái: thân lễ bái (trang phục, đi đứng, hành lễ nghiêm trang), khẩu lễ bái (nói năng chào hỏi khấn nguyện nhẹ nhàng), tâm lễ bái (sự thành tâm), ý lễ bái (sám hối và cầu mong tri thức, trí tuệ), vật lễ bái (sự cúng dường). Sự lễ bái đúng đắn là để mong đạt được những công đức cho kiếp sau của mình và mọi người như hình dáng tươi đẹp, giọng nói hay, có nhiều của báu, sinh vào nhà cao sang, sinh lên các cõi trời.
PGS.TS Lâm Bá Nam: Chùa, đền, di tích thờ tự là không gian thiêng, vì thế đòi hỏi người đi lễ chùa thể hiện đúng mực tác phong, ứng xử trong không gian văn hóa ấy. Phần lớn người dân đi chùa với lòng thành kính, quan niệm truyền thống của Việt Nam là Phật tại tâm. Người ta đi chùa vì lòng thành kính.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít yếu tố, không đúng theo truyền thống văn hóa dân tộc như việc ăn mặc khi đi chùa. Nhiều người đến lễ chùa giống như ăn mặc trong phòng ngủ hay ở vũ trường, quán bar… Cách ăn mặc đó không phù hợp trong không gian linh thiêng, thờ tự - nơi đòi hỏi phải có tính nghiêm cẩn.
Người dân đi lễ chùa đầu năm |
Bên cạnh đó, còn có việc ứng xử giữa người với người trong lễ chùa. Nhiều người đi lễ chùa rất sợ mất cắp bởi có nhiều đối tượng đã lợi dụng nơi đông người để móc túi.
Nhiều người ăn mặc đẹp đẽ nhưng vào chùa lại tưởng đây là công viên hay không gian ở vũ trường, ăn nói tùy tiện, sử dụng ngôn từ không đúng thuần phong mỹ tục, thiếu hiểu biết trong ứng xử. Nhiều nơi có hiện tượng chen lấn, xô đẩy đầu năm. Người già bị chen lấn, có tình trạng ngất xỉu trong lễ hội...
Dù thực tế đều có quy định đến nơi thờ tự phải như thế nào nhưng quan trọng là thực hành như thế nào, quản lý ra sao lại là câu chuyện liên quan quản lý nếp sống, tuyên truyền ý thức của du khách.
Có một thời gian nghiên cứu về lễ hội, tôi từng chứng kiến ở một số di tích lịch sử văn hóa mà một số đoàn đến dâng hương, chở cả ô tô vàng mã. Đây là một sự tốn kém không cần thiết. Nhà chùa có cần đốt vàng mã đâu, quan trọng nhất là sự thành tâm của mỗi người.
Mới đây, Giáo hội Phật giáo khuyến cáo làm lễ cầu an online và không đốt vàng mã. Đây là một tín hiệu tốt bởi truyền thống Phật giáo không cần phải đốt vàng mã. Đi một cách thành tâm mới là đi lễ. Niềm tin của người dân hoàn toàn bình thường nhưng không nên lạm dụng niềm tin đó đẩy đi một cách quá xa.
Nên thành tâm, không lạm dụng
Các Ông có lời khuyên nào dành cho người dân khi đi lễ chùa đầu xuân?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Mỗi người đều có mục đích riêng của mình nhưng có lời khuyên rất quan trọng “Phật tại tâm” để khỏi sa đà vào yếu tố mê tín, dị đoan. Trong không gian thờ cúng có đủ các yếu tố khác chứ không chỉ thờ cúng như rút thẻ, bói toán, thậm chí cờ bạc, khấn thuê… Người dân đi lễ bằng tâm sẽ tránh sa đà vào những tệ nạn, mặt trái này. Người Việt có câu “lễ mọn, lòng thành”, lễ không biết bao nhiêu mới đủ nhưng lòng thành mới là cái chính để con người hướng đến tính thiện, sự an lành của cuộc sống.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Vãn cảnh cũng là một mục đích để thanh thản con người. Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt. Bởi vậy, cảnh đẹp được gọi là “danh lam” (chùa nổi tiếng), “thắng cảnh” (cảnh Bụt). Những người đi lễ cũng là du ngoạn ngày xuân, cần tránh những gì là phản cảm, vướng vào tội nghiệp tham, sân, si: cầu lợi, tranh giành phần lợi cho mình, không hướng đến tuệ tâm, thiếu hiểu biết. Chùa nào cũng có những quy định được viết rõ ràng trước di tích, ai cũng cần đọc khi vào cửa Phật và tự nguyện thực hành. Có thế trong lòng mới thanh thản, cuộc sống mới bình tâm.
Xin cảm ơn hai nhà nghiên cứu đã chia sẻ. Đầu năm mới, xin chúc hai ông nhiều sức khỏe, bình an, hạnh phúc!
8 điều kiêng kỵ đi lễ chùa
Không đi cửa chính vào chùa; không đi giày dép vào Phật đường, Tam Bảo; Không đi cắt ngang mặt những người đang quỳ lạy; Không dùng miệng thổi tắt hương/nến; Không tùy tiện nhét tiền công đức; Không chạm, sờ vào tượng Phật; Không ăn mặc xuề xòa hoặc phản cảm; Không tự ý chụp ảnh/quay phim tượng Phật…