Y học và đời sống

Lấy sỏi san hô 7 cm, bảo tồn thận cho người bệnh 70 tuổi

  • Tác giả : Thúy Nga
Sỏi lớn, sỏi san hô bắt buộc phải phẫu thuật. Để lâu sỏi sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận, gây ra nhiễm trùng thận nguy hiểm tính mạng của người bệnh.

Khối sỏi san hô lớn kích thước 7cm ở thận của người bệnh P.V.S. 70 tuổi (Thủy Nguyên – Hải Phòng) vừa được bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí phẫu thuật lấy ra ngoài thành công.

Theo ThS.BS Nguyễn Như Trung, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện cho biết, việc phẫu thuật lấy sỏi có kích thước lớn và xù xì nhiều ngạnh rất khó khăn, cần cẩn trọng vì chỉ cần 1 sơ suất nhỏ có thể khiến cho người bệnh bị chảy máu, thậm chí phải cắt bỏ thận. Đặc biệt là trên người bệnh cao tuổi với bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường thì việc phẫu thuật càng phức tạp hơn.

Đối với các trường hợp người bệnh có sỏi, đặc biệt là sỏi lớn, sỏi san hô thì việc chỉ định phẫu thuật là bắt buộc. Nếu để quá lâu sỏi sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.

Khối sỏi san hô lớn được lấy ra khỏi thận bệnh nhân - Ảnh BVCC

Khối sỏi san hô lớn được lấy ra khỏi thận bệnh nhân - Ảnh BVCC

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, biểu hiện của người bị sỏi san hô rất đa dạng nhưng thường là đau lưng, có thể có sốt, tiểu ra máu, đau, bí tiểu… Sỏi lấp đầy các đài bể thận gây ứ nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng niệu dẫn đến phá hủy nhu mô thận. Nhiễm trùng có thể làm cho viêm đài bể thận, thận ứ mủ hay áp-xe quanh thận. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng.

Trên thực tế, sỏi san hô thường phát triển âm thầm, không gây đau tức nhiều, nên khi người bệnh phát hiện bệnh sỏi đã lớn, chiếm gần hết các đài thận. Các nhánh của viên sỏi len lỏi vào từng đài thận nhỏ, nước tiểu sau khi hình thành không được đẩy hết từ đài thận vào bể thận. Nước tiểu ứ đọng lại nhiều tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương tế bào thận, giảm chức năng thận.

Sỏi san hô rất khó điều trị, khiến chúng càng trở nên nguy hiểm hơn. Với các trường hợp sỏi san hô, việc điều trị nội khoa (dùng thuốc) chỉ có tác dụng làm sỏi không tăng kích thước. Một số trường hợp sau khi dùng thuốc thấy các triệu chứng đau tức thắt lưng giảm, tưởng sỏi đã giảm bớt, chủ quan không thăm khám thường xuyên khiến tình trạng sỏi ngày càng nặng hơn. Hầu hết các trường hợp sỏi tiến triển thành suy thận là do sỏi san hô.

"Người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu tiện ra máu, tiểu buốt người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà.

Siêu âm thận, chụp X-quang ổ bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu.

Khi phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giúp các bác sĩ có hướng điều trị tốt nhất. Nếu để quá lâu sỏi sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh", các bác sĩ khuyến cáo.

Thúy Nga