KINH TẾ

Lạng Sơn gỡ vướng phát triển kinh tế hậu Covid-19

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, “sức khỏe” của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất đáng quan ngại.

Tình thế khó khăn

Trong 4 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai (giông lốc, mưa đá) và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc đã ngừng thông quan từ dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nên hoạt động giao thương tại các cửa khẩu tạm dừng hoạt động, đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhất là doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh bến bãi.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm đạt 780 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 450 triệu USD, giảm 50%. Nhập khẩu chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 47,6%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.820,3 tỷ đồng, bằng 30% dự toán.

Số doanh nghiệp thành lập mới chỉ được 113 doanh nghiệp, nhưng có tới 74 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 50 doanh nghiệp thông báo giải thể.

Đáng chú ý, hầu hết doanh nghiệp của tỉnh là loại nhỏ, siêu nhỏ nên năng lực cạnh tranh không cao, chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19. Phần lớn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 69%) và công nghiệp - xây dựng (khoảng 28%), những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch nên nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, chấm dứt hoạt động.

Lũy kế đến ngày 30/4/2020 toàn tỉnh có 3.006 doanh nghiệp, nhưng có 166 doanh nghiệp đang ngừng hoạt động và 122 doanh nghiệp đang chờ giải thể.

Khó khăn về thị trường, nguồn thu giảm mạnh, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vốn lưu động đã khiến 55% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải cắt giảm lao động hoặc giảm lương khiến 2.570 lao động phải nghỉ việc.

Biến nguy thành cơ

Trong bối cảnh khó khăn do dịch gây ra, Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: Thưc hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh tiếp tục tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như rút ngắn thời gian thẩm định dự án; cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai các ưu đãi về nguồn vốn cho doanh nghiệp như hỗ trợ, giảm chi phí sản xuất kinh doanh; giảm giá dịch vụ; giảm các khoản phí, lệ phí, giảm giá hàng hóa, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp…

Làm việc với Trung Quốc nhằm mở lại các cửa khẩu, nâng cao năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đặc biêt, cần tập trung vào đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công để đạt kết quả về số lượng, chất lượng. Khởi công mới các dự án đã bố trí vốn, các đường giao thông như cao tốc, giao thông nông thôn, các dự án đầu tư ngoài ngân sách…

Cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần phát huy tính chủ động tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học công nghệ để biến thách thức thành thời cơ, tạo đà phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho rằng, trong tình hình hiện nay, các chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo với phương châm "4 tại chỗ" và trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ, trong đó cần đẩy mạnh một số ngành, lĩnh vực có thể tận dụng thời cơ phát triển để bù đắp các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Hồng Nhung