Ảnh:Thiên Anh |
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km, làng hương ở xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn, trong đó có 5 thôn làm tăm hương có lịch sử truyền thống hơn 1 thế kỷ.
Ghi nhận của PV Khoa học và đời sống, tại làng hương ở Quảng Phú Cầu, khắp các con đường làng, màu sắc rực rỡ của những bó tăm hương được phơi trông như những bó hoa nở rực rỡ. Nhà xưởng nào cũng nghe tiếng máy vót tăm hương giòn giã, công nhân thoăn thoắt bó tăm, nhuộm phẩm… lẫn mùi ngai ngái của bột se hương.
Ông Long, chủ một cơ sở làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu cho biết, bắt đầu từ tháng 9 -10 dương lịch ( tháng 8- 9 âm lịch), các hộ dân ở đây đã chuẩn bị gom nguyên liệu, tuyển thêm nhân lực để tập trung kịp sản xuất vụ Tết. “Nghề sản xuất hương ở đây quanh năm, nhưng cận tết sản lượng thường phải tăng hơn theo nhu cầu của người mua”, ông Long nói.
Chị Lan (công nhân làm thuê) chia sẻ: “Cứ độ gần Tết là chúng tôi lại đi làm thuê theo công, trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/công. Xưa thì phải vót tăm hương thủ công, giờ có máy móc hiện đại nên cũng nhàn hơn nhiều, chủ yếu tập trung vào công đoạn tận dụng nắng phơi tăm"
Dù áp lực đơn đặt hàng cuối năm nhưng từng nén hương thành phẩm vẫn được chăm chút rất tỉ mỉ. Người làng hương chia sẻ, do hương liên quan đến tâm linh nên mỗi nén hương đều phải được thực hiện rất tỉ mỉ từ khâu vót tăm, nhuộm chân, làm thân, se hương đến phơi khô, đóng gói… Đặc biệt, các nguyên liệu làm hương luôn phải sạch sẽ.
“Sau dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh tại Quảng Phú Cầu cũng được hồi phục. Sản lượng đầu ra chân hương cung cấp cho các tỉnh thành và xuất khẩu đi một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ… đang dần tăng sản lượng", Anh Phú, chủ một xưởng tăm hương ở Quảng Phú Cầu nói thêm.
Bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, nghề làm tăm hương ở đây cũng góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương. Đồng thời, với vẻ đẹp ấn tượng, làng hương ở Quảng Phú Cầu cũng là một địa điểm du lịch thu hút khách tìm hiểu những giá trị truyền thống của người Việt.
Một số hình ảnh tại làng hương ở Quảng Phú Cầu:
Tăm hương sau khi được tách nhỏ bằng máy sẽ được công nhân xếp thành những bó nhỏ để chuyển đi nhuộm chân. |
Máy vót tăm hương đang hoạt động hết công suất. |
Chân hương được nhuộm nhiều màu sắc khác nhau. Chủ yếu là đỏ, vàng hoặc xanh. |
Cận cảnh quá trình nhuộm chân hương. |
Sau khi nhuộm chân, tăm hương sẽ được chuyển đi phơi. |
Chân hương khi phơi được tạo hình bằng cách bó với phần chân chụm lại và xòe tán phía trên. |
Chân hương sau khi phơi khô và có màu sắc ổn định sẵn sàng cho công đoạn se bột nhang. |
Ngoài việc phơi chân hương đơn thuần, người dân Quảng Phú Cầu cũng xếp chân hương thành nhiều tạo hình đặc sắc, ý nghĩa nhằm thu hút khách du lịch. |
Du khách "rủ nhau" check-in bên những "bó hoa" ở làng hương Quảng Phú Cầu. Ảnh:Thiên Anh |
Không chỉ người lớn mà cả các em nhỏ cũng háo hức ngắm nhìn vẻ đẹp của làng hương. Ảnh:Thiên Anh |
Khung cảnh quá đỗi đẹp mắt và độc đáo mà làng hương Quảng Phú Cầu. |
Chân hương khi phơi xòe tán đẹp mắt. |
Chân hương như những bông hoa nở rực rỡ sắc màu. |
Cách di chuyển đến làng hương Quảng Phú Cầu - Xe máy, ô tô: từ trung tâm Hà Nội đi thẳng quốc lộ 21B, Tỉnh lộ 429 đến Quảng Phú Cầu. - Xe bus: di chuyển đến bến xe Yên Nghĩa, sau đó bắt xe bus 91. |