KHOẺ ĐẸP

Lăn kim có điều trị được mụn trứng cá?

  • Tác giả : BS Trương Thị Huyền Trang
Lăn kim là phương pháp không được chỉ định để điều trị trứng cá. Nhưng hiện nay trên thị trường, chỉ định này được áp dụng rộng rãi và dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Liệu pháp lăn kim hay còn gọi là liệu pháp tăng sinh collagen, là phương pháp sử dụng bút lăn kim với những mũi kim siêu nhỏ, sắc nhọn, đâm trên bề mặt da (run lên và xuống theo chiều dọc kim) nhằm tạo nên những kênh siêu nhỏ sâu tới trung bì (vi tổn thương), kích thích cơ thể tăng tổng hợp collagen mới.

Lăn kim được sử dụng với mục đích tăng khả năng hấp thu thuốc qua da, tăng tổng hợp collagen. Các bệnh lý có thể áp dụng được phương pháp lăn kim là: Điều trị sẹo lõm do trứng cá, thủy đậu, rạn da, giãn lỗ chân lông, lão hóa da, rụng tóc từng đám, hói, rám má.

Lăn kim có điều trị được mụn trứng cá? ảnh 1

Lăn kim có điều trị được mụn trứng cá?

Các chống chỉ định điều trị bằng lăn kim gồm:

- Bệnh nhân đang có tình trạng nhiễm Herpes simplex hoặc trứng cá, bệnh nhân bị các tổn thương da như ung thư da, hạt cơm, dày sừng ánh sáng hoặc bất kì các nhiễm trùng da nào, bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông như wafarin, heparin,...

- Bệnh nhân dùng aspirin trong 3 ngày gần đây, bệnh nhân bị dị ứng với thuốc tê tại chỗ hoặc toàn thân, đang điều trị hóa chất, liều cao corticosteroid đường toàn thân hoặc đang xạ trị, bệnh nhân tiểu đường mà không kiểm soát được đường huyết...

- Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật vùng mặt trong 6 tháng gần đây, bệnh nhân có tiêm chất làm đầy thường xuyên trong 6 tháng gần đây (nhất là vừa tiêm chất làm đầy trong 2 tuần trước đó), bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi hoặc sẹo phì đại cũng chống chỉ định lăn kim.

Do vậy, lăn kim là phương pháp không được chỉ định để điều trị trứng cá. Nhưng hiện nay trên thị trường, chỉ định này được áp dụng rộng rãi và dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Đặc biệt lăn kim cần phải sử dụng thuốc tê tại chỗ trước khi lăn, nên với vùng diện tích rộng như vùng lưng việc bôi tê có thể gây ra các biến chứng tại chỗ cũng như toàn thân nguy hiểm.

BS Trương Thị Huyền Trang (Khoa Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da Liễu TƯ)

BS Trương Thị Huyền Trang