Dữ liệu y khoa

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Thay xương cánh tay kèm khớp vai đảo ngược

  • Tác giả : Thúy nga
(khoahocdoisong.vn) - Các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec đã thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp cắt khối nang xương phình mạch có kích thước lớn phá vỡ hết cấu trúc xương đầu trên xương cánh tay phải và thay toàn bộ phần xương cánh tay khuyết hổng bằng kỹ thuật thay khớp vai đảo ngược.
bai-xuong.jpg
Ca mổ đau tiên thay xương và khớp vai đảo chiều.

2 lần mổ, u vẫn phát triển 

Bệnh nhân (BN) Nguyễn Công T. (nam, 26 tuổi, Thanh Hóa) bị ngã xe đạp khi đang ở Nhật (2/2019), đau chói vai phải, cánh tay như bị rời được cố định 1 tháng sau không khỏi và được chẩn đoán nang xương phình mạch. Đây là bệnh lý u xương thuộc nhóm lành tính nên được chỉ định mổ lấy u và ghép xương mào chậu tự thân. Sau mổ và điều trị 4 tháng, tay bên mổ vẫn yếu không lao động được.

Tháng 9/2020, BN về Việt Nam, được chẩn đoán nang xương phình mạch tái phát, chỉ định mổ nạo u và ghép xương nhân tạo. Sau mổ, tình trạng đau và khó chịu vùng cánh tay không cải thiện, qua các lần đi khám lại thấy khối u ngày một phát triển to lên, chèn ép vào vùng nách gây hạn chế vận động hoàn toàn khớp vai bên phải và khối u sinh thiết nghi ngờ chuyển dạng ác tính.

nang-xuong-phinh-mach-3.jpg
Ảnh khối u trên phim cắt lớp.

BN được gửi đến hội chẩn với ekip của GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, nhằm tìm kiếm giải pháp hữu ích hơn. Theo GS.TS Trần Trung Dũng, BN này có thể coi là tổn thương phức tạp nhất. Tổn thương cấu trúc phá hủy toàn bộ đầu trên xương cánh tay và dù sinh thiết lần cuối nghi ngờ ác tính nhưng hội chẩn lại tiêu bản 2 lần mổ trước các bác sĩ vẫn nghĩ đến khối nang xương phình mạch lành tính tiến triển nhanh.

nang-xuong-phinh-mach-4.jpg
Khối  nang xương  phình mạch được lấy bỏ.

Tuy nhiên, bài toán tái tạo cấu trúc của khớp vai một cách có chức năng vô cùng khó khăn do phần xương cánh tay bị hỏng khoảng 15cm và quan trọng hơn, gân các cơ làm nhiệm vụ nâng vai cũng không còn khả năng phục hồi khi đánh giá trên phim cộng hưởng từ. Mất xương lớn và hỏng cấu trúc nâng vai làm cho khả năng phục hồi chức năng của BN vô cùng khó khăn...

Ý tưởng đột phá mang lại kết quả bất ngờ

Cuối cùng các bác sĩ cũng tính toán được giải pháp với ý tưởng đột phá lần đâu tiên sử dụng ở Việt Nam: Khối u được cắt rộng rãi theo khối đến vùng tổ chức lành và được sinh thiết tức thì để chắc chắn đã cắt hết tổ chức u nhằm tránh nguy cơ tái phát nếu trong trường hợp tổn thương chuyển ác tính. Sau đó khớp vai và phần xương cánh tay bị tổn thương đã cắt bỏ được thay thế bằng 1 khớp vai đảo ngược kèm đoạn module xương cánh tay.

nang-xuong-phinh-mach-5.jpg
Khớp nhân tạo xương thay được lắp vào cơ thể.

ThS Nguyễn Trần Quang Sáng và ThS Nguyễn Hữu Mạnh – thành viên tham gia cùng kíp mổ cho biết, đúng như những tính toán dựa trên phim cộng hưởng từ, phần gân bám của khối cơ nâng vai đã bị tổn thương hoàn toàn nên không có khả năng phục hồi chức năng khớp vai nếu tiến hành phẫu thuật bằng với các loại khớp vai truyền thống trước đây, thậm chí còn có thể có các nguy cơ trật khớp gây ảnh hưởng nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống của BN.

Giải pháp dùng khớp vai đảo ngược này là một sự thay đổi đột phá so với các giải pháp thay khớp vai thông thường. Trong thay khớp vai đảo ngược thì phần chỏm cầu từ đầu trên xương cánh tay sẽ được đặt sang vị trí của ổ chảo xương vai và phần ổ chảo của khớp nhân tạo sẽ được đặt vào đầu trên xương cánh tay. Vì vậy, những động tác dạng và đưa tay lên cao của cơ chóp xoay bị mất sẽ được thực hiện nhờ cơ Delta, điều này sẽ giúp cho khớp vai đảo ngược vẫn vận động được mà không cần các gân cơ chóp xoay.

nang-xuong-phinh-mach-2.png
Tay BN sau phẫu thuật.

GS.TS Trần Trung Dũng nhấn mạnh, khớp vai đảo ngược kèm module là một cấu trúc phi sinh học, tức là không có cấu trúc khớp của cơ thể tương tự để mô phỏng theo nên mọi tính toán đều phải được thử nghiệm rất chi tiết bằng công nghệ mô phỏng 3D. Bản thân xương vai là một cấu trúc xương mỏng dẹt, ngay phía trước là lồng ngực, các thao tác trên xương vai đều hết sức nguy hiểm, nhưng với sự giúp đỡ của robot định vị trong mổ, nên các bác sĩ đã kiểm soát được mọi chi tiết của khớp nhân tạo đưa vào cơ thể. Ca mổ kéo dài khoảng 2,5 tiếng trước khi kết thúc phẫu thuật dưới sự kiểm tra lại của robot phẫu thuật phần khớp được tái tạo, giúp thực hiện đầy đủ chức năng vận động vai như thiết kế.

Hiện tại, sau 1 tháng phẫu thuật, sức khỏe của BN phục hồi tốt, BN đang bắt đầu tập phục hồi chức năng và đã tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hằng ngày mà không cần đến trợ giúp. Kết quả sinh thiết là u lành tính nên BN không phải điều trị hóa chất phối hợp.

Thúy nga