Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm giữ vốn tài sản nhưng hoạt động kém hiệu quả và thua tư nhân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý. |
Một trong những nguyên nhân cơ bản là cơ chế quản lý của Nhà nước đối với DNNN chưa phù hợp, còn chồng chéo làm cho các DN bị trói buộc cứng nhắc, không phân định rõ ràng về quyền hạn gắn và trách nhiệm, vốn nhà nước đầu tư bị thất thoát không được phát hiện kịp thời, không xác định được trách nhiệm cá nhân, hoặc khi phát hiện được thì đã mất tiền, kéo theo mất cán bộ.
Theo ông Cường, đối tượng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cần mở rộng đối tượng để quản lý, giám sát cả doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50%.
Để xác định trách nhiệm cá nhân tiền vốn doanh nghiệp thất thoát, theo đại biểu, cần quy trách nhiệm cho một người. Cá nhân này có vai trò chịu trách nhiệm về bảo toàn và phát triển vốn, giao kế hoạch cho doanh nghiệp còn để doanh nghiệp thực hiện kế hoạch và tổ chức thực hiện, đánh giá và phân loại doanh nghiệp.
Nhưng cùng với đó, để thực hiện các nhiệm vụ được giao, người đại diện chủ sở hữu phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp nhất với các vị trí quản trị của doanh nghiệp.
Về cơ chế phân phối lợi nhuận, ông Cường cho rằng, theo dự thảo luật sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao. Vì tất cả đều được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi.
"Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng thu nhập của người lao động hàng tháng vẫn cao; Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp", đại biểu Cường nói.
Do vậy, theo đại biểu, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích luỹ để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh.
Tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Như Ý. |