Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (UPCoM: IFS) có khởi đầu rất ấn tượng cho năm 2024, khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 447 tỷ đồng trong quý I, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 83% nguồn thu của Interfood đến từ các sản phẩm nước giải khát nổi tiếng như trà bí đao, nước me, nước yến, trà sữa...
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động. Mặt khác, chi phí tài chính chỉ chiếm một khoản không đáng kể do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá.
Sau khi khấu trừ chi phí và thuế, Interfood ghi nhận lãi ròng 50 tỷ đồng, tăng mạnh 69% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về kết quả khả quan này, ban lãnh đạo Interfood cho biết, doanh thu công ty đi lên nhờ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng dịp đầu năm, tập trung những dòng sản phẩm chủ chốt và sản phẩm chiến lược. Một số nguyên liệu đầu vào chủ chốt cũng giảm giá, giúp củng cố biên lãi gộp.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính thu hẹp 61% xuống 4 tỷ đồng do lãi suất tiền gửi giảm theo mặt bằng chung.
Trong năm 2024, Interfood đề ra mục tiêu doanh thu thuần lập kỷ lục với 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với mức kỷ lục năm trước là 1.868 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp sản xuất đồ uống này vẫn khá thận trọng khi giảm mục tiêu lợi nhuận sau thuế 8%, xuống 192 tỷ đồng.
Như vậy, sau quý I năm 2024, Interfood đã hoàn thành hơn 22% mục tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận ròng.
Interfood có kế hoạch dùng toàn bộ 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến ngày 31/12/2024 để chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 24%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 2.400 đồng.
Sở hữu gần 95% cổ phần công ty, cổ đông nước ngoài là Kirin Holding Singapore Pte. Ltd. sẽ nhận khoảng 200 tỷ đồng tiền cổ tức.
Được biết, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế là doanh nghiệp FDI, thành lập từ cuối năm 1991 với lĩnh vực hoạt động chính là chế biến nông sản, thuỷ sản thành những sản phẩm đóng hộp để xuất khẩu.
Tới năm 2005, Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery, thuê thương hiệu Wonderfarm cho những sản phẩm của công ty. Thương hiệu trà bí đao Wonderfarm từ đây nhanh chóng “phất lên”, đem về thị phần lớn cho công ty.
Tuy nhiên, năm 2008, Interfood gặp biến cố lớn khi một số sản phẩm bánh của công ty có hàm lượng chất melamine vượt quá mức cho phép. Cũng trong năm này, công ty báo lỗ 267 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Thời điểm cuối năm 2010, nợ phải trả của IFS lên đến hơn 600 tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản.
Bước ngoặt năm 2011 khi cổ đông lớn Malaysia quyết định tháo chạy khỏi Interfood. Thay vào đó, tập đoàn Kirin của Nhật Bản tham gia “giải cứu” thông qua việc mua lại 57% vốn công ty. Kirin sau đó đã có rất nhiều biện pháp cải thiện cơ cấu nợ của IFS, đồng thời phát triển nghiên cứu những sản phẩm, thị trường tiêu thụ mới cho công ty.
Kết quả, Interfood dưới bàn tay tái cấu trúc của tập đoàn Kirin bắt đầu có lãi từ năm 2016. Cùng năm này, cổ phiếu Interfood trở lại sàn UPCoM sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HoSE vào 2013. Đến hiện tại, thị giá IFS vẫn duy trì xu hướng tăng bền vững, hiện đạt 31.600 đồng/cp.