Theo thống kê, tính đến đầu tháng 6/2023, cả nước đã ghi nhận 95 trường hợp bệnh có ký sinh trùng sốt rét.
Các ca mắc sốt rét ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Khánh Hòa, Nghệ An và Gia Lai... Đặc biệt, ký sinh trùng ngoại lai chiếm 26,31%, có 1 trường hợp tử vong tại Hà Nội.
Ảnh minh họa |
Triệu chứng sốt rét
Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra với các triệu chứng đau đầu, sốt, lạnh run và dễ tử vong. Người mắc bệnh sau khi bị muỗi Anophen đốt từ 10 -15 ngày. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc bị muỗi đốt
Người bị sốt rét thường có biểu hiện qua ba giai đoạn:
Giai đoạn rét run: Người bệnh lạnh run toàn thân, môi tái, mắt quầng , nổi da gà, thường kéo dài 1/2- 2 giờ.
Giai đoạn sốt cao: Thân nhiệt nóng dần có thể sốt 38-40 độ C, mặt đỏ, da khô nóng, đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách thường kéo dài 1- 3 giờ.
Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm dần, vã mồ hôi, khát nước, bớt đau đầu, cảm giác bệnh khỏe lại.
Có nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét.
Sốt rét được chia làm 2 loại: Sốt rét thông thường chưa có biến chứng và sốt rét ác tính có biến chứng dẫn tới những triệu chứng nguy hiểm và có thể tử vong sau 12 giờ đồng hồ sau khi có triệu chứng của bệnh. Đối với bệnh nhân mắc bệnh sốt rét việc chẩn đoán chính xác và kịp thời vô cùng quan trọng vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và đe doạ tính mạng người bệnh.
Phương thức lây truyền bệnh sốt rét
Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét không thể tồn tại ở môi trường bên ngoài, chỉ có trong máu người nhiễm bệnh và ở muỗi Anophen truyền bệnh. Nguồn máu từ người nhiễm bệnh có thể lây truyền bệnh sốt rét kéo dài ít nhất 1 tháng. Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu với 4 phương thức lây truyền:
Muỗi truyền: Đây là phương thức chủ yếu để bệnh sốt rét lây lan.
Truyền máu: Ở một số trường hợp hy hữu, người hiến máu (dạng người lành mang mầm bệnh) có nhiễm ký sinh trùng sốt rét nhưng không hay biết và hiến máu cho người khác.
Mẹ truyền sang con: Thai phụ mắc sốt rét sẽ truyền sang con qua nhau thai và đối diện nguy cơ sảy thai, sinh non. Nguyên nhân do người mẹ bị thiếu máu, bệnh diễn biến nặng, hạ đường huyết, phù phổi cấp. May mắn, tỷ lệ thai phụ bị sốt rét rất hiếm gặp.
Tiêm chích: Bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét, do tiêm chích ma tuý chung với người mang mầm bệnh.
Ai có nguy cơ bị bệnh sốt rét?
Bệnh sốt rét xảy ra chủ yếu ở vùng rừng núi, nơi người dân canh tác làm nương rẫy, trồng cao su, đi du lịch đến vùng lưu hành bệnh sốt rét,… Người bệnh được xác định nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét khi có kết quả xét nghiệm máu dương tính.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét gồm: Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi, thai phụ. Đáng lưu ý, một số trường hợp sốt rét bẩm sinh dù hiếm gặp nhưng bệnh xuất hiện sớm ngay sau khi trẻ chào đời. Lúc này, trẻ quấy khóc, sốt, vàng da, gan lách to. Với trẻ trên 6 tháng tuổi nếu bị sốt rét sẽ sốt cao liên tục, nôn, tiêu chảy, bụng chướng, gan lách to, có dấu hiệu viêm màng não, co giật, tỷ lệ tử vong cao.
Các biện pháp phòng bệnh Sốt rét
Để không mắc bệnh Sốt rét cần phải phòng tránh muỗi đốt, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Sốt rét.
Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv...
Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.