Thời sự

Kỷ niệm 40 năm thành lập VUSTA: “Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh“

  • Tác giả : Nhóm PV
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam.

Sáng nay tại Hà Nội (ngày 24/3), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam.

Buổi lễ vinh dự có sự hiện diện của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự có mặt của các Đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, là lãnh đạo Cơ quan của Trung ương Đảng; Chính phủ, Quốc hội; các Đồng chí Bí thư và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đồng chí đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, tổ chức, cơ quan Trung ương; các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Tập đoàn doanh nghiệp KH&CN trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm hỏi, động viên đội ngũ trí thức, nhà khoa học tại buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm hỏi, động viên đội ngũ trí thức, nhà khoa học tại buổi lễ.

Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) có sự tham dự của Đồng chí Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Danh dự Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; Đồng chí Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam qua các thời kỳ.

Đồng thời, buổi lễ cũng có sự góp mặt của đại diện các nhà khoa học, đại biểu trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước; Các đại diện trí thức của 93 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam; Các cán bộ, công chức, người lao động của Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam qua các thời kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu: most.gov.vn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu: most.gov.vn.

Cách đây 60 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất - Tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tới dự, gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 26/3/1983, với sự tham dự của 14 hội ngành và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là mái nhà chung để tập hợp và phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phát biểu, chỉ đạo với Liên hiệp Hội Việt Nam và đội ngũ trí thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư nói, qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Cũng chính vì vậy mà cha ông ta đã luôn luôn quý trọng hiện tại và đội ngũ trí thức.

Nhắc lại câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu”, Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tri thức, chúng ta rất tự hào nhưng cũng thấy trách nhiệm rất nặng nề.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ tri thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngay từ khi mới thành lập nước Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã nói, nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài.Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc.

Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức Việt Nam đã được thành lập và phát triển rộng khắp, đã góp phần tích cực vào việc mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước.

Ngay sau ngày hòa bình lập lại, năm 1954 Đảng và nhà nước ta đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để nhiều hội nghề nghiệp được thành lập. Năm 1963 Hội Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, là tổ chức hiện tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay đã được thành lập nhằm tập hợp quy tụ các nhà khoa học, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật để đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật trong quần chúng nhân dân.

Ngày 26/3/1983 tại Thủ đô Hà Nội, 15 tổ chức hội thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành đại hội thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam).

Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm chủ tịch.

Việc thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp đoàn kết, điều hòa, phối hợp các hoạt động phong phú, đa dạng để nói tiếng nói thống nhất, đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung của giới trí thức đối với Đảng và Nhà nước.

Trải qua 40 năm phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước.

Cùng với sự phát triển của dân tộc ta thì đội ngũ trí thức của chúng ta cũng ngày càng trưởng thành, phát triển không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc hơn nữa hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đóng góp nhiều hơn nữa với chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với toàn đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của đảng, xứng đáng là điểm tự hào và sự tin yêu của Đảng, nhà nước và nhân dân.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư gửi lời chúc tới các đại biểu và các đồng chí, các nhà khoa học thành công trong công tác, hạnh phúc trong cuộc sống, và xứng đáng là nguyên khí của quốc gia - những người làm hưng thịnh cho đất nước, làm rạng rỡ cho dân tộc và làm vẻ vang cho giống nòi.

Cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. TSKH. Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bày tỏ: Hôm nay, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ cả nước rất vinh dự và tự hào tổ chức lễ Kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyên và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà (18/5/1963 – 18/5/2023); Kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983 – 26/3/2023). Đặc biệt, tại buổi Lễ long trọng và đầy tự hào hôm nay, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ Việt Nam được đón Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kính mến của Đảng ta cùng các Đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới dự và chỉ đạo.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

“Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, là nguồn động viên vô cùng to lớn của Đảng và Nhà nước, của cá nhân Đồng chí Tổng Bí thư và các Đồng chí Lãnh đạo các cơ quan Ban, bộ ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương đối với đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ nước nhà, đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Phan Xuân Dũng, đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đến mọi mặt đời sống, xã hội.

Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tập hợp, đoàn kết và tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên và giới trí thức phát huy tiềm nǎng trí tuệ để phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa truyền thống của dân tộc, của cha anh, góp phần đưa khoa học, công nghệ nước nhà trở thành động lực hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khoa học, công nghệ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thay mặt Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Phan Xuân Dũng hứa với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với Đảng rằng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đất nước tập hợp xung quanh mái nhà chung là Liên hiệp Hội Việt Nam đã đoàn kết, đoàn kết thì càng đại đoàn kết hơn, đã thành công, thành công thì lại càng đại thành công hơn, để thực hiện tốt mong muốn của Đồng chí Tổng Bí thư đã phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ VII của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày 03/6/2015, đó là “Liên hiệp Hội Việt Nam phải thực sự là nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam”, và phải “làm tròn bổn phận của mình đối với đất nước, dân tộc, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, tính đạo đức, lối sống theo truyền thống dân tộc” ((xem Toàn văn bài phát biểu TSKH tại đây).

Tại buổi lễ, GS.TSKH, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc - Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hà Nội (một trong số 15 Hội thành viên tham gia sáng lập, thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào năm 1983) xúc động: Phát huy truyền thống 40 năm vẻ vang của Liên hiệp Hội Việt Nam, chúng ta tin tưởng sẽ đạt nhiều thành tích trong công tác phổ biến kiến thức khoa học để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của Đất nước trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc.

GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 15/8/1963 là một cuộc gặp lịch sử giữa vị lãnh tụ anh minh với đại diện giới trí thức. Từ đây tư tưởng của Người về về trí thức ngày càng thấm sâu trong quan điểm của Đảng và từng bước được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách của Nhà nước.

GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đặc điểm đã hình thành xa xưa là đội ngũ trí thức có mối quan hệ rất gần gũi với quần chúng nhân dân. Không giống với nhiều quốc gia phong kiến khác, ranh giới đẳng cấp trong xã hội Việt Nam trung đại không ngăn cản con em nông dân nghèo ứng thí. Nhiều tiến sĩ có xuất thân bình dân, thậm chí còn là con em của những nông dân nghèo nên khi có vị trí trong bộ máy quản lý nhà nước luôn có tình cảm thân thiết và quan hệ gắn bó với nhân dân. Từ khi Đảng trở thành tổ chức lãnh đạo Hệ thống chính trị, đội ngũ trí thức công càng có điều kiện phát huy đặc điểm này.

Một điểm nổi bật của đội ngũ trí thức Việt Nam là những người xuất sắc trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thấu hiểu tầm quan trọng của tri thức với sự nghiệp cách mạng đã ra sức học tập để tự trở thành một trí thức, trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn có những trí thức uyên bác. Đây là hệ quả của truyền thống văn hoá Việt Nam, và đến lượt mình, đặc điểm này lại trở thành tiền đề và môi trường thuận lợi cho trí thức Việt Nam phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đất nước Việt Nam đang có một cơ đồ lớn để có thể thực hiện khát vọng đưa Dân tộc đi tới phồn vinh. Hơn bao giờ hết chúng ta phải đủ khả năng biến tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế đưa Đất nước đi lên. Trong sự nghiệp vĩ đại này, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của một Đảng chính trị đầy trí tuệ sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng”, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam, Ban tổ chức cũng đồng thời công bố Quyết định khen thưởng cấp Nhà nước gồm Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Đến trưa cùng ngày, TSKH. Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu bế mạc sự kiện. Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Nhóm PV