Doanh nghiệp

Kosy: Một doanh nghiệp khiến cơ quan quản lý phải… vội

  • Tác giả : Trọng Nhân
(khoahocdoisong.vn) - Thành lập từ năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, Công ty CP Kosy đã niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2017. Tuy nhiên, “đặc trưng” rất lạ trong hoạt động của Kosy là luôn khiến các cơ quan quản lý phải gấp gáp hỗ trợ dự án của doanh nghiệp này. Thậm chí có trường hợp vội đến mức sai cả quy định.

Khó tin

Một trong những dấu ấn thể hiện “uy” của Kosy là dự án tái định cư tại tiểu khu đô thị số 17 thuộc TP Lào Cai. Theo quy hoạch được duyệt, tiểu khu này chỉ có 142 lô đất tái định cư. Dự án được giao cho Kosy thực hiện từ năm 2015, nhưng tới cuối năm 2017 vẫn chưa hoàn thành bàn giao đất cho người dân.

Tháng 7/2017, Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai đã bị chất vấn về vấn đề đảm bảo quyền lợi của dân tại Dự án Tiểu khu đô thị số 17 do Kosy làm chủ đầu tư. Thông tin chất vấn cho thấy, qua khảo sát thực tế, vị trí quy hoạch tái định cư là lòng khe sâu trên 10m so với cốt nền. Không đảm bảo về kỹ thuật, rất khó khăn cho người dân làm nhà.

Và trong khi nhiều hộ dân được hưởng tái định cư còn chưa giao đất, thì Kosy đã mở bán và giao dịch thành công hàng trăm lô đất. Tới tháng 9/2019, trong một văn bản gửi UBCK Nhà nước, Kosy cho biết dự án vẫn chưa hoàn thành xong GPMB.

Với tất cả những bất thường ấy, sẽ không lạ khi dự án tái định cư này dính tố cáo của người dân. Tháng 8/2017, UBND tỉnh Lào Cai kết luận về nội dung tố cáo của công dân đối với ông Tô Ngọc Liễn, Phó Chủ tịch UBND TP Lào Cai về dự án này.

Theo đó, UBND tỉnh công nhận nội dung tố cáo là có cơ sở. Oái oăm là sự có cơ sở ấy, lại được xác định có nguồn gốc cực khó tin: do UBND TP Lào Cai căn cứ... sai quy định.

"Dự án Tiểu khu đô thị số 17, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường được phê duyệt theo khoản 2, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 là không đúng, vì dự án này không phải do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư" - kết luận nêu.

“Công thức” bán hàng trên cơ sở nền tảng pháp lý tù mù có thể coi như đặc trưng kinh doanh của Kosy. Vì thường xuất hiện ở các dự án của doanh nghiệp này. Chẳng hạn, dự án KĐT Kosy Gia Sàng (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên), chủ đầu tư cũng bán nền, nhận tiền đặt cọc, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Hay tại dự án Kosy Cầu Gồ (đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

Cũng tại Bắc Giang, dự án rộng 23ha của Kosy tại phường Xương Giang cũng có hiện tượng huy động vốn bằng hợp đồng vay vốn, đặt cọc giữ chỗ... khi hạ tầng chưa xong, thậm chí chưa có GPXD. Tháng 8/2018, Sở Xây dựng Bắc Giang đã phạt Kosy 40 triệu đồng vì vi phạm trong thực hiện dự án tại tỉnh.

Đáng ngạc nhiên, “phong cách” kinh doanh tù mù ấy của Kosy có vẻ lại được một số địa phương...khoái. Chỉ trong vài năm trở lại đây, doanh nghiệp này nhận được hàng loạt dự án quy mô lớn tại các địa phương. Đó là dự án Khu chức năng đô thị rộng 20,8ha tại Đông Anh, Hà Nội, tổng đầu tư 3.800 tỷ đồng, hay dự án Kosy Nghệ An (TP Vinh) rộng 55,5ha, tổng đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, dự án 40,7ha Kosy Ninh Bình mức đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng, dự án 157,7ha Kosy Phú Thọ (TP Việt Trì, dự án 21,4ha Kosy Hà Nam diện tích, hay ngấp nghé được giao thực hiện dự án Kosy Quảng Ngãi rộng hơn 70ha...

Thông tin bổ sung, tháng 7/2019, Kosy đã cam kết phát triển các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng và sân GOLF trên địa bàn tỉnh Lào Cai với tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng.

Dẫu được ưu ái về số lượng dự án đến thế, thì quy mô của Kosy lại không lớn, hoạt động kinh doanh không nhiều đột biến, nếu không nói là kém. Chẳng hạn, đến hết năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 533 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 83 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến thời điểm cuối năm là gần 600 tỷ đồng, gấp 2 lần đầu năm.

Nhưng lại “rất cấp bách

Trong điều kiện nhiều dự án, nhưng lại yếu năng lực về bất động sản và xây dựng ấy, Kosy đã bước vào mảng các dự án năng lượng (thủy điện, phong điện...). Trong mảng dự án mới này, Kosy cũng khiến các cơ quan chức năng phải... tích cực hỗ trợ. Điển hình, là tại dự án cụm nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Nếu ngày 18/12/2018, Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu xin ý kiến về đề nghị nghiên cứu khảo sát đầu tư cụm Nhà máy điện gió Kosy tại huyện Hòa Bình. Thì chỉ 3 ngày sau đó, các cơ quan được hỏi đều cơ bản “gật đầu” đề nghị dự án này.

Thần tốc không kém, ngày 24/12/2018, UBND tỉnh Bạc Liêu đã cho phép Công ty CP Kosy tiếp cận khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án. Cùng ngày 24/12, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu gửi công văn xin ý kiến các cơ quan liên quan, xin ý kiến việc bổ sung dự án vào Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030. Sở Công Thương nhấn mạnh, “do thời gian cấp bách”, mong các cơ quan có ý kiến gửi về Sở trước 16h ngày 26/12/2018. Nói cách khác, các đơn vị được hỏi chỉ có chưa tới 48 giờ đồng hồ để nghiên cứu, cho ý kiến về dự án của Kosy...

Chỉ 4 ngày sau đó, một cách ngoạn mục, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tập hợp đủ ý kiến của các cơ quan trực thuộc. Và lập tức có tờ trình cùng bộ hồ sơ dự án gửi Bộ Công Thương, xin bổ sung cụm nhà máy điện gió của Công ty CP Kosy vào quy hoạch điện quốc gia.

Tiếp tục diễn biến nhanh như điện ở dự án này, hồ sơ bổ sung dự án của Kosy đã  được Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nghiên cứu xong ngay trong tháng 1/2019 và báo cáo để xin ý kiến Bộ Công Thương.

Lập tức, cũng ngay trong tháng 1/2019, Bộ Công Thương phát công văn hỏi ý kiến 7 Bộ liên quan và EVN về đề nghị bổ sung cụm Nhà máy điện gió Kosy Hoà Bình vào quy hoạch phát triển điện. Bộ Công Thương gấp gáp đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, trả lời bằng văn bản trước ngày 20/1/2019. Tính theo thời gian, 7 Bộ liên quan và EVN có khoảng 12 ngày để nhận công văn, thẩm định, họp bàn và trả lời Bộ Công Thương về dự án này.

Theo hồ sơ của tỉnh Bạc Liêu, dự án cụm nhà máy điện gió Kosy Hòa Bình tọa lạc trên địa giới 3 xã thuộc huyện Hòa Bình, có tổng nhu cầu sử dụng đất hơn 57,3ha (giai đoạn đầu hơn 10,5ha), công suất 400MW, tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, với 80% là vốn vay, vận hành từ năm 2021. Vào tháng 6/2019, Kosy đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Bạc Liêu để đầu tư điện gió Kosy Bạc Liêu, nhưng với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh tại hồ sơ gửi Viện Năng lượng, Công ty CP Kosy có vốn điều lệ 1.037,5 tỷ đồng, đăng ký hoạt động liên quan đến ngành điện gồm sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Website của Công ty CP Kosy tự giới thiệu “có chủ trương” thực hiện một số dự án thủy điện quy mô nhỏ, nhưng chưa có thông tin về dự án cụ thể. Công ty này cho biết đang đầu tư dự án nhà máy thủy điện Nậm Pạc với quy mô đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng. Nói cách khác, khi kinh nghiệm phát triển điện còn chưa dày dạn, thì Kosy đang thực hiện số dự án năng lượng đòi hỏi vốn gấp nhiều lần vốn của công ty này.

Cần nhắc lại, kết thúc năm 2018, Kosy có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Kosy lại trái ngược. Năm 2018, con số này âm 532 tỷ đồng. Còn trong năm 2016 và 2017 lần lượt âm 139,5 tỷ đồng và 98 tỷ đồng. Còn theo kết quả thanh tra về quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại tỉnh Lào Cai của Thanh tra Bộ Xây dựng (2017), Công ty CP Kosy vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất là gần 46 tỷ đồng.

Trọng Nhân