Ngân hàng

Kienlongbank trông chờ bán cổ phiếu STB để che đỡ tín dụng yếu

  • Tác giả : Tuấn Thuỷ
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020 là năm thắng lợi của ngành ngân hàng, khi liên tiếp các ngân hàng báo lãi lớn, tín dụng tăng cao và giảm được nợ xấu nhờ Thông tư 01. Nhưng riêng Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - UPCoM: KLB) thì tăng trưởng lãi âm, dù đã hoàn nhập dự phòng và tăng cường mua trái phiếu Chính phủ lấy lãi.

Lợi nhuận đi lùi

Kết thúc năm 2020, Kienlongbank báo lãi sau thuế 97 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2019. Hoạt động tín dụng của ngân hàng hầu như không có cải thiện. Hoạt động cho vay trong suốt một năm qua của Kienlongbank chỉ tăng nhẹ 3,7%, đạt 34.716 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng vì thế sụt giảm 5% so với năm ngoái.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong năm 2020 sụt giảm báo động còn 1,89%. Đây là mức giảm NIM thấp nhất trong hơn 10 hoạt động gần nhất của ngân hàng này. Hệ số NIM thấp cho biết ngân hàng không đủ lợi nhuận để bù đắp các chi phí khác. So với một số ngân hàng cùng quy mô nhỏ khác đều có hệ số NIM cao hơn, như NIM của NamAbank đạt 2,42%, Ngân hàng Bản Việt có hệ số NIM là 2,1%, PGBank đạt 2,76%.

Trái ngược với yếu ớt của tín dụng, hoạt động phi tín dụng của Kienlongbank lại ít nhiều thuận lợi hơn. Cụ thể, các hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi thuần tăng tới 61%, tương đương tăng thêm 19 tỷ đồng. Khoản lãi từ trái phiếu Chính phủ mang về cho ngân hàng này 77 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với đầu năm.

Kienlongbank đã xử lý được hơn 50 tỷ đồng nợ xấu nhờ thanh lý tài sản gán nợ và xử lý bằng dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động không được cắt giảm, tăng lên 1.042 tỷ. Trong đó, nhiều khoản chi phí hội nghị, lễ tân, khánh tiết đã “ngốn” tới quá nửa lợi nhuận cả năm của nhà băng, với 63 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư góp vốn mua cổ phần cũng không đem lại nhiều lợi nhuận cho Kienlongbank. Lợi nhuận từ công ty con chuyển về và cổ tức thu được từ đầu tư dài hạn đạt 13 tỷ đồng, chỉ bằng 23% năm 2019.

Mặc dù Kienlongbank đã hoàn nhập hơn 2 tỷ đồng từ dự phòng rủi ro, nhưng vẫn không kéo được lợi nhuận lên là bao. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 119 tỷ đồng. Trong khi, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 mà Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm là 750 tỷ đồng.

Với hy vọng xử lý được hết nợ xấu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Kienlongbank lạc quan đặt ra kế hoạch lợi nhuận lớn bằng cả mấy năm cộng dồn lại. Nhưng kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch, các cổ đông bị “vỡ mộng”, vì từ thực tế đến kế hoạch đề ra là một khoảng cách quá xa vời.

Tiếp tục hứa “gỡ bom” cổ phiếu STB

Đến nay, Kienlongbank vẫn đang “ôm” khoản nợ xấu không có khả năng thù hồi lên tới 1.529 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo là 176 triệu cổ phiếu STB. Chính khoản nợ này, Kienlongbank tiếp tục giữ kỷ lục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống ngân hàng (5,42%).

Kienlongbank đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 là phải xử lý được các khoản vay trên. Theo đó, Kienlongbank tiến hành chào bán cổ phiếu STB trong tháng 2/2020 và hoàn tất trong năm 2020.

Có lẽ vì thế, ngân hàng đã tự tin không trích lập dự phòng cho khoản nợ này, mà còn tự tin, số cổ phiếu STB này sau khi thanh lý sẽ mang về lợi nhuận lớn.

Sau 4 lần thông báo chào bán, số cổ phiếu STB vẫn nằm im trong sổ sách kế toán của Kienlongbank. Chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh ngày 30/1/2021, bà Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc KienLongBank cho biết, lý do không thể thực hiện được kế hoạch đề ra trong năm 2020 là do dịch bệnh Covid-19, dẫn đến kết quả không mong muốn.

Thế nhưng, lý do “bán ế” thực tế chính là giá chào bán “trên trời” mà ngân hàng này đưa ra, khiến không ai có thể mua được.

Tại thời điểm chào bán (tháng 4/2020) giá cổ phiếu STB thực tế dao động từ 8.800 – 10.200đ/cổ phần. Trong khi đó, Kienlongbank chào bán, thanh lý với giá ban đầu là 24.000đ/cổ phần, sau “đại hạ giá” xuống còn 17.400đ/cổ phần những vẫn còn chênh giá quá cao.

Bà Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, chậm nhất đến ngày 31/3/2021, ngân hàng sẽ bán toàn bộ cổ phiếu và tất toán nợ vay có liên quan Sacombank. Các cổ đông của ngân hàng lại thêm hi vọng khi có lời hứa của lãnh đạo ngân hàng. Bởi chừng nào, Kienlongbank còn giữ số cổ phiếu STB này, kết quả kinh doanh của Kienlongbank còn bết bát, đi xuống.

Sang đầu năm 2021, Kienlongbank đã có sự thay đổi trong bộ máy điều hành ngân hàng. Cụ thể, có 3 vị trí Phó Tổng Giám đốc được bổ nhiệm người mới, gồm ông Trần Ngọc Minh, ông Nguyễn Văn Minh và ông Võ Quốc Lợi (được biết, ông Võ Quốc Lợi chính là con trai của cựu Chủ tịch HĐQT Kienlongbank - Võ Quốc Thắng).

Sau khi bổ nhiệm, Ban Điều hành Kienlongbank có 8 thành viên gồm Tổng Giám đốc và 7 Phó Tổng Giám đốc. Đầu năm cơ cấu lại bộ máy tổ chức của Ban điều hành, Kienlongbank hy vọng hoạt động kinh doanh của ngân hàng có tiến triển tốt hơn, thay vì đi giật lùi như những năm qua. Đồng thời, Kienlongbank cũng cố gắng bắt kịp xu thế mô hình ngân hàng số trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tuấn Thuỷ