Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ trung bình 6 người sẽ có 1 người có khả năng bị đột quỵ ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Trong số những người đã bị đột quỵ rồi, 25% có thể hồi phục bình thường, độc lập đi lại được; nhưng 12% chỉ hồi phục một phần; 10 - 13% bệnh nhân bị tàn phế hoặc phải nằm liệt giường.
BSCKI Huỳnh Phúc Nguyên, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhiều bệnh nhân khi đến khám vẫn chưa ý thức rõ những căn bệnh có thể dẫn đến tàn phế và tử vong.
Đột quỵ được xem là biến chứng của căn bệnh nền liên quan đến mạch máu não. Đa phần bệnh mạch máu não trên biến chứng mạch máu não hay đột quỵ chính là tình trạng xơ vữa mạch. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị dị dạng mạch máu não, viêm mạch máu…
Tuy nhiên, không chỉ xơ vữa mạch máu não mà bất cứ bệnh nền nào liên quan đến máu và mạch máu đều có thể là nguy cơ của đột quỵ.
Yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu là cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ…
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, trong thời gian Covid-19, chúng ta hay nhắc đến bệnh nền, trong đó có những căn bệnh khiến nguy cơ nhập viện tăng gấp 6 lần, tăng nguy cơ tử vong lên tới 12 lần.
Các chuyên gia nhấn mạnh, điều chỉnh những yếu tố nguy cơ thay đổi được sẽ là chiếc phao cứu sinh để chúng ta tác động giảm nguy cơ đột quỵ. Không những vậy, nhóm người có bệnh nền cũng là nhóm nguy cơ dễ diễn tiến nặng nếu mắc Covid-19.
Những bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, bệnh lý về tuyến thượng thận… cần được kiểm soát tốt, chúng ta mới tránh được các nguy cơ do biến chứng của nó, cũng như nguy hiểm nếu đồng mắc Covid-19.