Dữ liệu y khoa

Không chủ quan với ho, hắt hơi, sổ mũi lúc giao mùa

  • Tác giả : An Quý
Thời tiết đang nóng bỗng trở lạnh khiến nhiều người bị ho, hắt hơi, sổ mũi…

Theo BSCKII Huỳnh Thị Chiêu Oanh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, ho, hắt hơi, sổ mũi là các triệu chứng thường gặp.

ho.jpg

Khi tiếp xúc với tác nhân như phấn hoa, bụi, mùi ô nhiễm môi trường, người bệnh dễ bị sổ mũi và hắt hơi kéo dài. Một số bệnh khác như viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, hen suyễn tắc phổi mạn tính hoặc cơ địa dị ứng cũng dễ gặp bất ổn khi thời tiết thay đổi bất chợt.

Viêm niêm mạc mũi xảy ra do thay đổi khí hậu không thể điều trị hết. Khi lên cơn, người bệnh sẽ phải uống thuốc và chăm sóc, tránh những đợt cấp khi khí hậu thay đổi.

Viêm xoang có thể do vi khuẩn, virus, nấm và nó thường xảy ra sau khi viêm amidane, mũi tiết dịch. Các triệu chứng của bệnh chúng ta thường gặp như ho, sổ mũi, hắt hơi.

Bên cạnh đó, viêm đường hô hấp cấp có thể là viêm họng, viêm mũi, viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Thông thường, người bệnh sẽ bị bội nhiễm ở đường hô hấp trên đi xuống và lâu dần sẽ lây nhiễm ở đường hô hấp dưới.

Bệnh nhân có thể bị nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ho, đau họng, kèm theo đau các cơ giống như cảm cúm.

Trong giai đoạn hiện tại, khi có những triệu chứng điển hình của viêm đường hô hấp, chúng ta nên nghĩ đó là có phải là Covid-19 không?

“Nếu biết rõ mình có tiếp xúc với F0 từ 2 - 15 ngày, triệu chứng thường gặp nhất khi nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ bị mệt mỏi, hơi sốt nhẹ nên báo với y tế để được test nhanh hoặc kiểm tra PCR và theo dõi,” BSCKII Chiêu Oanh cho biết.

Riêng với những người đã có sẵn bệnh viêm xoang, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao phổi cũ hoặc các bệnh nhân hút thuốc lâu ngày, nền của phổi không còn được tốt nữa.

“Người hút thuốc cần ngưng hút thuốc. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn các khởi phát gây ra bệnh nền ví dụ như dị ứng phấn hoa hoặc dùng thuốc cắt cơn trong suyễn và COPD nhằm ngăn chặn các dấu hiệu gây nên đợt cấp.

BS.CKII Huỳnh Thị Chiêu Oanh khuyến cáo, để bảo vệ bản thân, phải thường xuyên rửa tay bằng nước và xà bông, hay bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn.

Thứ hai, khi tiếp xúc với người khác hoặc phải đi vào đám đông, chúng ta phải đeo khẩu trang 100% và cố gắng giữ khoảng cách.

Vệ sinh môi trường nơi làm việc, nhà ở phải sạch sẽ không được để bụi bám quá nhiều vì người bị bệnh phổi hít vào có thể sẽ dẫn đến các đợt cấp.

Đợt cấp bùng lên, hệ miễn dịch cơ thể suy giảm, người bệnh càng dễ mắc các loại virus, đặc biệt là virus SARS-CoV-2.

Đối với người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, bị suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng như bệnh tim mạch, tắc phổi mãn tính, hen suyễn cần phải đi tiêm ngừa phổi, virus cúm hằng năm.

Sử dụng thuốc kháng sinh lan tràn sẽ gây hiện tượng đề kháng kháng sinh. Bệnh nhân bị bội nhiễm phổi khi sử dụng kháng sinh sẽ gây ra đề kháng không đáp ứng điều trị. Bệnh càng diễn tiến nặng.

An Quý