Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico; mã: KSV) vừa công bố thông tin nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục Thuế tỉnh Lào Cai đối với chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai (thuộc Vimico).
Cụ thể, chi nhánh này đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp năm 2020 (sử dụng hóa đơn có dấu hiệu, rủi ro cao về thuế, hóa đơn). Đồng thời, công ty còn khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế tài nguyên phải nộp năm 2020 và khai sai không dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020.
Do đó, chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai bị cơ quan thuế xử phạt 20% đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế với số tiền thuế GTGT, thuế tài nguyên, tương ứng với số tiền phạt hơn 12,2 tỷ đồng. Mặt khác, công ty bị phạt vi phạm hành chính số tiền 6,5 triệu đồng đối với hành vi kê khai sai không dẫn đến thiếu số thuế TNDN phải nộp năm 2020.
Để khắc phục hậu quả, chi nhánh trên của Vimico buộc phải nộp gần 62,3 tỷ đồng số tiền thuế truy thu và tiền chậm nộp thuế là hơn 13 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền KSV bị truy thu, phạt và chậm nộp thuế là gần 88 tỷ đồng.
Khoáng sản TKV vi phạm thuế bị phạt 88 tỷ: Tình hình kinh doanh ra sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Tiềm lực Vimico thế nào?
Ở diễn biến liên quan, theo tìm hiểu của Khoa học và Đời sống, Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (Vimico) có tiền thân là Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, là Tổng công ty Nhà nước được thành lập theo quyết định ngày 27/10/1995 của Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương).
Năm 2005, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được thành lập trên cơ sở sát nhập Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và hoạt động theo điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/10/2006. Theo đó, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam chuyển thành Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin và là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu hơn 98% vốn.
Năm 2006, Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty – Công ty con; tháng 5/2007, vốn điều lệ được đăng ký thay đổi là hơn 719,7 tỷ đồng. Năm 2010, Tổng Công ty đổi tên thành Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin – Công ty TNHH MTV; vốn điều lệ thay đổi lần 2 năm 2011 là 1.090 tỷ đồng, thay đổi lần 4 với vốn điều lệ tăng lên là 1.350 tỷ đồng.
Đến năm 2015, Tổng Công ty chính thức chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần với tên gọi Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP và vốn điều lệ được thay đổi lần thứ 5 lên đến 2.000 tỷ đồng. Hiện Vimico đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 28/4/2021, với vốn điều lệ tại ngày 30/9/2023 là 2.000 tỷ đồng.
Hiện, Vimico có trụ sở chính được đặt tại số 193 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội; hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất kim loại màu và kim loại quý. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty là ông Trịnh Văn Tuệ.
Nợ phải trả cao gấp 2,72 lần vốn chủ sở hữu
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm 2023 được công bố cho thấy, Vimico ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.343 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ, qua đó kéo lợi nhuận gộp tăng 73,2% lên mức 265,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận đạt hơn 4,1 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Cùng đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng cũng lần lượt tăng hơn 20,7 tỷ đồng và hơn 5,2 tỷ đồng so với cùng kỳ; ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 28 tỷ đồng so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các loại thuế, phí, Vimico ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 35,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ 83,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vimico ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.893 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm xuống mức gần 102 tỷ đồng (giảm hơn 185,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng giảm 64,5%), trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 287,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 89,9 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ, Vimico cho biết do một số sản phẩm của công ty giảm sản lượng tiêu thụ như đồng, vàng, kẽm thỏi. Ngoài ra, giá bán của các sản phẩm đồng tấm, tinh quặng manhetit, phôi thép, kẽm thỏi… giảm mạnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng tăng do nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất tại một số đơn vị không ổn định khi sản lượng khai thác bị hạn chế bởi giấy phép, một số mỏ trong giai đoạn tận thu, hàm lượng quặng giảm, nguồn nguyên liệu mua ngoài thiếu hụt về sản lượng, giảm về chất lượng.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vimico ghi nhận đạt hơn 10.684 tỷ đồng, giảm nhẹ 11 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 180 tỷ đồng.
Tại thời điểm kết thúc quý III/2023, Vimico ghi nhận tổng nợ phải trả ở mức 7.812 tỷ đồng, tăng hơn 220 tỷ đồng so với hồi đầu năm và cao gấp 2,72 lần vốn chủ sở hữu (hơn 2.872 tỷ đồng). Trong đó, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính của Vimico tính tới ngày 30/9/2023 là hơn 4.046 tỷ đồng, chiếm đến 51,7% trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp…