Giải pháp

Khó xử lý chất thải xây dựng

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Trên thực tế, dù chất thải xây dựng là nguồn thải khá lớn, nhưng việc phân loại và xử lý gần như bị bỏ quên, không được quan tâm.

Rác thải xây dựng đang bị lãng quên

Theo thống kêm chất thải xây dựng đang chiếm khoảng 10 – 15% chất thải rắn đô thị. Ước tính đến năm 2030, lượng chất thải xây dựng sẽ tăng lên khoảng 6.500 tấn/ngày.

Tính riêng tại Hà Nội và TPHCM, chất thải xây dựng khoảng 2.000 – 3.000 tấn, chiếm 20 – 25% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Đối với các địa phương đang phát triển, chất thải rắn chiếm từ 12 – 13%.

Thành phần chủ yếu của chất thải rắn xây dựng là đất cát, gạch vữa, thủy tinh, bê tông, kim loại. Hiện nay, các chất thải xây dựng này thường được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt và chưa có phương hướng xử lý cụ thể.

Bên cạnh đó, tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước dù đã có nhiều biện pháp được đề ra. Nguyên nhân lớn nhất là do vướng mắc trong việc thu gom, xử lý chất thải xây dựng.

Các trường hợp đổ rác thải xây dựng ra môi trường không còn hiếm gặp và diễn ra hầu như trên cả nước. Tại Vinh (Nghệ An), hồ điều hòa ở xã Hưng Hòa, tuyến đường du lịch sinh thái ven sông Lam đoạn qua phường Hưng Dũng, Bến Thủy, Trung Đô; hay đường Nguyễn Viết Xuân ngay sát Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh… đều có thể bắt gặp nhiều đống rác thải xây dựng đổ tràn lan.

Tại Hà Nội, trên tuyến đường Minh Khai – Đại La đang thi công, chất thải xây dựng đổ lẫn cùng chất thải sinh hoạt kéo dài hàng km trên diện tích đã giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Hay Đại lộ Thăng Long cũng chịu chung cảnh bị đổ trộm rác thải xây dựng…

Điều này đang gây mất vệ sinh khu dân cư, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Việc đổ thải bừa bãi lấn chiếm không gian đô thị, mất cảnh quan, ảnh hưởng tới hạ tầng đô thị và ô nhiễm bụi. Thậm chí một số vật liệu nguy hại trong xây dựng như các tấm thạch cao, có thể phát sinh khí H2S, amiang ra môi trường… vùi lấp các chất độc hại trong đất có thể gây nên ô nhiễm đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng

Khó tìm đầu ra cho sản phẩm

Trong xu hướng kinh tế tuần hoàn, chất thải nói chung và chất thải xây dựng nói riêng cũng cần được nhìn nhận như một dạng tài nguyên để tái chế. Việc tái chế chất thải xây dựng sẽ hạn chế được việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên không thể tái tạo được như đá, cát, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên.

Theo bà Phan Thu Hằng, chuyên gia của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), chúng ta cần những công trình tiện nghi, thoải mái để phục vụ cuộc sống nhưng cũng cần đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích của thế hệ tương lai.

Nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho thấy, hiện có rất nhiều nhóm biện pháp khả thi để giải quyết rác thải xây dựng, trong đó mô hình vòng đời từ nôi đến mộ (from cradle to grave) được đánh giá là mô hình mẫu khi theo dõi việc thi công công trình từ giai đoạn sơ khai là khai thác nguyên vật liệu cho tới khi tháo dỡ, hủy bỏ và xả thải.

Từ cách tiếp cận này, các sáng kiến được triển khai có thể kể đến như sử dụng nguyên liệu thứ cấp từ các ngành công nghiệp khác làm đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng, thiết kế công trình dễ dàng tháo gỡ, tăng tính kiên cường và khả năng chuyển đổi mục đích của công trình và tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu sau khi tháo dỡ, phá hủy công trình.

Thực tế hiện cũng có quy chuẩn Việt Nam về sử dụng vật liệu tái chế trong các công trình xây dựng. Thông tư số 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng có quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, nhưng chưa nêu lên vật liệu tái chế trong công trình xây dựng. Chính vì vậy, các nhà thầu cũng không thể đưa vật liệu này vào sử dụng tại các công trình.

Còn đối với phần lớn chất thải xây dựng đang được đổ ra môi trường hiện nay, việc nghiền và tái chế  có thể giảm được 30% chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm này vẫn còn bị đặt dấu hỏi do chưa có quy định cụ thể về mức giá của chất thải xây dựng tái chế.

Ví dụ như tại Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội, thành phố mới chỉ ban hành đơn giá chôn lấp, trong khi đó, Thông tư 08 của Bộ Xây dựng lại quy định đơn giá doanh nghiệp tự ban hành. Xung đột này khiến sản phẩm vật liệu xây dựng tái chế không thể “vào” được công trường do không có hệ quy chiếu để thẩm định giá.

Vướng mắc từ phân loại sản phẩm cho đến thiếu cơ chế xử lý đang khiến chất thải xây dựng dần ùn ứ như rác thải sinh hoạt.

Quốc Trọng