Dữ liệu y khoa

Khó khăn khi công bố hết dịch và chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

  • Tác giả : Thúy Nga
Đến nay virus SARS-CoV-2 đã có 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ, nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng. Vì vậy, chưa chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành.

Đó là dự thảo mới nhất của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc (hiện ghi nhận số ca mắc giảm mạnh, còn khoảng 600-800 ca/ngày- PV).

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục. Từ tháng 12/2019 đến nay ghi nhận 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ, nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng

chuyen-sang.jpg
Khó khăn khi công bố hết dịch và chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Vì thế tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái "bình thường mới".

Về việc chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn liên quan thì có nhiều quy định rất khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh nhóm A và nhóm B như: giám sát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, tại cộng đồng; công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; kiểm soát ra, vào vùng có dịch. Hơn nữa, biện pháp về vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp chưa có cơ chế áp dụng khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Việc công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể cân nhắc khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố hết tình trạng đại dịch hay sự kiện y tế công cộng đáng quan ngại trên toàn cầu và tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ Y tế, khi công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, nếu dịch xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Khi đó, việc kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.

Nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 không được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bệnh sẽ không được hưởng chi trả điều trị COVID-19 miễn phí, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, chúng ta không có cơ chế áp dụng đặc thù đối với vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp sẽ khó khăn, người dân không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.

WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch trên toàn cầu và tại Việt Nam còn ghi nhận số mắc cao hàng ngày tại hầu hết địa phương. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các khuyến cáo của WHO.

Thúy Nga