Hòn Bà đẹp lung linh nhìn từ trên cao (Ảnh 52Hz) |
“Ngắm từ xa thôi cũng đẹp”, đó là cảm xúc của không ít du khách khi ngắm Hòn Bà ở phía mũi Nghinh Phong, con dốc Thùy Vân hay đồi Con Heo vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh. Thời điểm ánh mặt trời phản chiếu trên biển càng tạo nên khung cảnh đẹp mờ ảo. Hòn Bà nằm lặng lẽ giữa lung linh nắng, lăn tăn sóng, chút xám của đá, chút xanh của cây, chút đỏ rêu phong của ngôi miếu nhỏ.
Nốt nhạc hoang sơ giữa thành phố du lịch biển
Hòn Bà là đảo nhỏ duy nhất ở ven bờ biển Vũng Tàu, nằm gần mũi Nghinh Phong thuộc Bãi Sau của TP Vũng Tàu. Hòn Bà nằm cách chân Núi Nhỏ hơn 200 m, diện tích 5.450 m2. Không có dân cư sinh sống trên đảo, chỉ có một ngôi miếu gọi là miếu Hòn Bà. Theo tương truyền, Miếu Hòn Bà được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, bên trong thờ bà Thủy Long - một thần nữ giúp ban phúc lành cho những người dân khi đi biển.
Hòn Bà khi bình thường, bốn bề là nước biển (Ảnh ST) |
Vào đầu thế kỷ XX, ngôi miếu bị hư hại một phần do ảnh hưởng chiến tranh. Đến năm 1971, người dân địa phương quyên góp và trùng tu lại miếu với khuôn viên được mở rộng, có cổng dẫn du khách đến với miếu Hòn Bà. Ngoài việc thờ bà Thủy Long thần nữ, miếu còn thờ một số thần linh của người dân biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Miếu Hòn Bà cũng là di tích lịch sử với một tầng hầm dài 6m, rộng 3m; trước kia từng là nơi họp bí mật của cách mạng.
Hòn Bà có màu xanh rì của cỏ cây, nằm lẻ loi giữa biển trong vắt, dưới chân đảo những cơn sóng vỗ bọt trắng xóa tạo nên một khung cảnh căng tràn sức sống giữa biển rộng lớn. Đây là địa điểm tham quan lý tưởng và check-in tuyệt vời cho những ai mê đắm thiên nhiên.
Điều đặc biệt của đảo Hòn Bà vào những ngày thủy triều xuống, nước rẽ sang hai bên đảo, để lộ ra một con đường đá nối liền từ bãi biển ra đảo. Đi dọc theo con đường giữa biển bạn sẽ có cảm giác như đang rẽ nước, dạo bước giữa lòng biển cả mênh mông. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên đối với những ai đã từng đi trên con đường độc đáo này.
Vào những ngày rằm, lễ hội cúng Bà, người dân và khách thập phương ra thăm viếng rất đông (Ảnh ST) |
Ngoài việc tha hồ khám phá, check-in với cảnh đẹp thiên nhiên, biển, trời, tham quan và viếng miếu thờ Thủy Long Thần Nữ trên đảo, du khách cũng có thể thử trải nghiệm với việc bắt một số loài ốc, cua đá hay nhặt một số loại vỏ sò sặc sỡ. Nếu may mắn cũng có thể tìm được cho mình một chú sao biển, một chú cá nhỏ nào đó đi lạc và mắc cạn lại tại những hốc đá trên đường ra đảo.
Mỗi khi nước bắt đầu rút, đoàn người ra Hòn Bà bắt đầu nối nhau ra thăm viếng (Ảnh ST) |
Kinh nghiệm khám phá Hòn Bà
Điều độc đáo của Hòn Bà là không phải lúc nào du khách cũng có thể dễ dàng đi bộ đến nơi đây. Tuy nhiên, du khách có thể thuê ca-nô hoặc tàu nhỏ của dân địa phương để ra đảo cách này khá tốn kém và cũng không được khuyến khích vì có nhiều nguy hiểm tiềm ẩn, hiện nay địa phương cũng chưa có mô hình dịch vụ có sự quản lý của cơ quan chức năng.
Đa phần người dân và du khách muốn ra đến Hòn Bà đều theo cách chờ khi nước rút (thủy triều xuống), con đường đá nối liền bờ biển và Hòn Bà sẽ hiện ra trong vài giờ, tranh thủ lúc ấy, mọi người có thể di chuyển ra thăm viếng và trở vào.
Thời gian nước rút thường kéo dài trong 2-3 tiếng đồng hồ, tùy theo thời điểm từng tháng, thường là vào những ngày rằm. Muốn có thời gian chính xác về lịch nước rút để ra thăm Hòn Bà, du khách có thể tham khảo lịch thủy triều trên một số cuốn lịch khoa học có cập nhật nội dung này hoặc có thể tham khảo từ người dân địa phương.
Theo lịch tham khảo, trong tháng 3/2024 này, du khách có thể ra đảo với Hòn Bà trong các khung giờ: 5h -10h ngày 10/3; từ 6h – 10h30 ngày 11/3; từ 7h30 – 10h30 ngày 12/3; từ 8h30 – 10h ngày 13/3. Hoặc từ các ngày 22 – 25/3, du khách có thể ra đảo vào khung giờ từ 5h – 7h30 và mỗi ngày lệch lên 1 tiếng đồng hồ.
Điều quan trọng mà du khách cần lưu ý khi ra Hòn Bà là phải canh khung giờ để trở lại đất liền cho phù hợp để tránh nguy hiểm. Vì khi nước rút để lộ ra con đường hoàn toàn thì rất chậm, nhưng khi con nước lên trở lại thì thời gian diễn ra rất nhanh, nếu bạn lo mải mê ngắm cảnh và check-in mà không lưu ý thì việc con nước lên cao rồi bạn mới luống cuống chạy vào bờ thì nhiều khi không còn kịp nữa. Đã không ít trường hợp tai nạn xảy ra do sự bất cẩn và chủ quan này.
Vậy nếu gặp trường hợp con nước lên nhanh quá, vì lý do nào đó bạn không kịp trở vào bờ thì sao? Đừng hoảng sợ, bạn có thể di chuyển thật nhanh ra phía đảo, vào di chuyển lên khu vực miếu trên đảo Hòn Bào. Tuy diện tích không to, nhưng nơi đây luôn có chỗ để có thể tá túc tạm thời cho khách thập phương bị nhỡ con nước. Hãy nhớ, tuyệt đối không cố gắng bơi vào bờ, cũng không nên dùng bất cứ phương tiện di chuyển tự túc nào để vào bờ khi nước lớn. Hãy chờ con nước ròng trở lại, lúc đó bạn sẽ di chuyển vào bờ theo hướng dẫn từ người dân địa phương để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, những hòn đá trên “con đường độc lạ” này có rất nhiều cạnh sắc nhọn và dễ trơn trượt, do đây là nơi hàu bám vào trong những ngày con đường ngập nước. Vì vậy, du khách nên đi giày và di chuyển cẩn thận để tránh bị thương.