Không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật lịch sử đặc sắc, 3 bảo tàng này còn là những công trình kiến trúc cổ có giá trị nổi bật của Việt Nam.
1. Tọa lạc tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có tiền thân là Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Tòa nhà bảo tàng được xây từ năm 1926-1932, là một công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa.
Kiến trúc Đông Dương là một phong cách kiến trúc kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây do các kiến trúc sư người Pháp và sau đó là người Việt định hình từ thập niên 1920.
Tại tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, dấu ấn của kiến trúc phương Tây dễ nhận ra qua những khối nhà lớn có hai tầng, kết nối với nhau thành một chỉnh thể bề thế.
Trong khi đó, dấu ấn phương Đông được thể hiện qua từng chi tiết kiến trúc nhỏ như các họa tiết trang trí mái, cửa sổ, ban công… Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, kiến trúc của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
2. Tọa lạc tại số 3 Lê Trực, cạnh góc Đông Nam Hoàng thành Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chính là điện Long An, công trình được coi là cung điện có kiến trúc hoa mỹ bậc nhất của nhà Nguyễn còn tồn tại đến nay.
Tòa điện này được xây năm 1845 theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” như nhiều cung điện khác ở Huế, gồm hai tòa nhà song song, nhà trước 7 gian với 8 bộ “vì kèo chồng rường giả thủ”, nhà sau 5 gian với 6 bộ “vì kèo cánh ác”. Công trình đặt trên nền cao 1,1m, vỉa ốp đá thanh.
Ðiểm nổi bật nhất ở nghệ thuật kiến trúc điện Long An là sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Khác với đa số cung điện của nhà Nguyễn ở Huế, chi tiết gỗ của điện Long An không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng kỹ thuật chạm trổ tinh xảo.
Phần trang trí nội thất chính của ngôi điện là các liên ba, đồ bản chạm khắc theo lối nhất thi nhất họa và nhất tự nhất họa phổ biến trong các cung điện Huế. Những tác phẩm này là hiện vật lịch sử vô giá, góp phần làm phong phú thêm cho hệ thống trưng bày đặc sắc của bảo tàng.
3. Bảo tàng Lịch sử TP HCM có tiền thân Bảo tàng Blanchard de la Brosse, khánh thành năm 1929. Đây là một trong những công trình kiến trúc thuộc địa có quy mô bề thế bậc nhất Sài Gòn xưa.
Công trình do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon xây dựng theo lối kiến trúc Đông Dương cách tân (Styleindochinois), mang nhiều đặc điểm gần gũi với kiến trúc của Bảo tàng Louis Finot / Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Điểm nhấn trong kiến trúc của tòa nhà bảo tàng là phần trung tâm có một khối bát giác, gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch phương Đông. Trên khối bát giác là hai tầng mái lợp ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu.
Năm 1970, bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau một dãy nhà do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Dãy nhà có hình chữ U, ở giữa là hồ cảnh quan lộ thiên, hai dãy nhà nối hai bên, sau cùng là dãy nhà ba tầng. Công trình mới này có cảnh quan hài hòa với kiến trúc tòa nhà bảo tàng cũ.