Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ Hội Đền Hùng 2023 quy tụ 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. |
Tối 21/4, chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 và Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa Phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO” được tổ chức tại tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Mở đầu buổi lễ, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đánh giá văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại. Qua đó, gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Christian Manhart, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là thành viên tích cực của UNESCO, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong bối cảnh phức tạp của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang đảm nhận những vai trò của mình quan trọng trong hầu hết các hoạt động của UNESCO. Việt Nam cũng cho thấy có thể chia sẻ bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, giữ gìn, xây dựng, và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh thông điệp của tiền nhân tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa cộng đồng hết sức độc đáo trên thế giới.
Ngay sau phần khai mạc, chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ để “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương - Tinh hoa di sản và Khát vọng Lạc Hồng. Những tiết mục được dàn dựng nhằm tôn vinh giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và chào đón đồng bào và du khách về thăm miền đất Tổ.
Theo ban tổ chức, chương trình nghệ thuật khai mạc năm nay quy tụ sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng cùng 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, nghệ nhân dân gian của 6 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền. Trong 90 phút, các nghệ sĩ lần lượt biểu diễn các di sản như Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Xoè Thái, dân ca Ví - Giặm nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Đàn ca tài tử Nam Bộ, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Các hình thức di sản được khéo léo trình diễn xuyên suốt liên tục trên sân khấu qua sự dàn dựng của ê kíp sáng tạo, bằng thiết kế của nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh, phối khí mang lại nhiều hiệu ứng, tôn vinh các vùng, miền di sản nổi tiếng. Chương trình phần nào giúp khán giả cảm nhận được giá trị của di sản gốc một cách tốt nhất, từ đó thêm tình yêu, niềm tự hào về những giá trị văn hóa đã được cha ông ta dựng xây, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.