Y học và đời sống

Kéo dài chân: Không chỉ giấc mơ chân dài

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Ngày nay, kéo dài chân được thực hiện nhiều bởi xu hướng thích tính thẩm mỹ, đặc biệt là những nam thanh, nữ tú. Thế nhưng, không ai biết rằng, trước những năm 2000 thì kéo dài chi thường tập trung ở những người bệnh viêm xương tủy xương và bệnh bại liệt.

Chân trái ngắn hơn chân phải gần 20cm

Đó là trường hợp điển hình mà PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện Trưởng viện Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện TƯQĐ 108 nhớ lại khi ông mới bước vào nghề “kéo dài chân”. Chị H sinh năm 1960, tại Hà Nội, bị di chứng của bệnh viêm xương tủy xương đường máu từ nhỏ, khiến chân trái ngắn hơn chân phải gần 20 cm.

Những năm kinh tế khó khăn đói nghèo, bệnh tật đã khiến chị mắc bệnh viêm xương tủy xương. Đây là bệnh viêm mủ ở tổ chức xương tủy. Đã có lúc chị H bị chảy mủ, hình thành lỗ rò từ xương ra ngoài da, có khi có cả mảnh xương chết. Chị H được cố định bằng nẹp bột để bất động chi, truyền dịch đạm, dùng các thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và tăng cường nuôi dưỡng ăn uống đủ chất, mổ nhiều lần lấy xương chết. Và rồi căn bệnh viêm xương tủy xương của chị cũng dần khỏi, thế nhưng nó để lại một di chứng khiến chị tự ti hơn bao giờ hết, đó là chân ngắn, chân dài cách nhau gần 20cm.

Khi chị đến bệnh viện TƯQĐ 108 đã 30 tuổi, nhưng khuôn mặt xinh xắn của chị ai cũng phải trầm trồ. Song, tạo hóa đã không để chị được hoàn thiện. Chân thấp, chân cao, chị đi những bước chân nặng nhọc, chứng bệnh đã khiến chị trở thành một người trầm tính, tự ti và không lập gia đình, chỉ ở nhà nội trợ. Sau khi thăm khám, chị H đã được các bác sĩ kéo dài tới 15 cm, đôi chân gần bằng nhau khiến chị vỡ òa như hạnh phúc. Nhưng tuổi cũng đã xế chiều, chị không lập gia đình mà sống vui vẻ cùng những người thân.

Nói về những trường hợp kéo chi như thế này,  PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ, ngày trước hậu quảsau chiến tranh, bộ đội thương binh nhiều, viêm xương dẫn đến chân ngắn, chân dài hay những trường hợp đói nghèo, suy dinh dưỡng, sức đề kháng giảm, cơ thể dễ nhiễm khuẩn nên dẫn đến viêm xương tủy xương đường máu… Sau thời gian điều trị bệnh khỏi, nhưng di chứng chân thấp, chân cao vẫn còn… Chính vì vậy, trong giai đoạn này chủ yếu người bệnh tìm đến kéo dài chân là những lý do bệnh tật, nhưng ngày nay yếu tố thẩm mỹ là chính.

Kéo dài đùi phức tạp hơn kéo cẳng chân

Nguyên lý kéo dài chi mà đến nay vẫn còn được áp dụng, được bắt đầu thực hiện từ năm 1951, cách đây gần 70 năm. Nguyên lý đó là cắt xương, sau đó kéo giãn với tốc độ 1 mm/24 giờ.

Thực hiện một ca phẫu thuật chi rất khó khăn và đòi hỏi bác sĩ đầy đủ kinh nghiệm, chuyên môn. Khi bệnh nhân được chiếu chụp, nếu chân ngắn do phần đùi nhiều thì phải kéo phần đùi. Tuy nhiên, khi kéo phần đùi rất phức tạp, nhiều biến chứng hơn. Do phần đùi cấu tạo cơ dày, bác sĩ sẽ phải xuyên đinh qua phần cơ, sẽ khó và dễ viêm nhiễm chân đinh, co ngắn cơ. Bệnh nhân sẽ khó vận động hơn, có thể biến chứng viêm chân đinh và để lại hạn chế vận động khớp gối.Do vậy, các bác sĩ  thường kéo phần cẳng chân để bệnh nhân đỡ vướng, đinh chỉ cần xuyên qua da vào xương nên ít nhiễm trùng, dễ cố định hơn.

Nói về đối tượng nào có thể kéo dài chân, PGS Đoàn cho rằngbất cứ ai có nguyện vọng thì đều có thể thực hiện kéo dài chân được, tuy nhiên phần lớn thực tế hiện nay kéo dài chân chủ yếu là với những người có tầm vóc thấp hoặc người mắc các dị tật, thương tật chênh lệch 2 chân trên 3 cm.

Độ tuổi thích hợp để kéo dài chân từ 20-30, vì lúc đó phẫu thuật viên có thể xác định được chiều cao hoàn thiện. Đa số bệnh nhân kéo chân thường kể với bạn bè là lý do bị tai nạn nên phải phẫu thuật để tránh người khác tò mò, dị nghị.

Phạm Hằng