Ngày 26/3, bác sĩ Vũ Xuân Phú, phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, chia sẻ bệnh viện vừa cứu sống nạn nhân mắc dị vật khí quản hiếm gặp.
Trong lúc chăm sóc cây cảnh trên sân thượng, cụ ông 72 tuổi gặp tai nạn hy hữu: Viên sỏi trong chậu cảnh rơi vào miệng và mắc ở khí quản gây suy hô hấp.
Theo đó, bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não cách đây 3 năm di chứng yếu nửa người trái, cụ vẫn tự sinh hoạt tại nhà, vào viện trong tình trạng suy hô hấp, ý thức giảm.
Chiều 24/3, người nhà phát hiện cụ ông ngã trên sàn, mắt mở tự nhiên, gọi hỏi đáp biết, nhưng không phản ứng, thở nhanh, khó thở, thở rít vùng cổ, xung quanh có nhiều đất đá nhỏ rơi vãi.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện 354 cấp cứu phát hiện dị vật đường thở, sau đó được chuyển Bệnh viện Phổi trung ương cấp cứu.
Tại Bệnh viện Phổi trung ương, bệnh nhân có tình trạng ý thức giảm, khó thở nhiều, suy hô hấp tăng dần, thở rít vùng cao, vật vã kích thích, yếu nửa người trái.
Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, dị vật khí quản, theo dõi tai biến mạch máu não. Đồng thời, kết hợp cận lâm sàng để chẩn đoán.
"Qua suy luận, có thể trong khi rắc các viên sỏi vào giỏ hoa treo trên sân thượng, cụ ông không may làm rơi khiến 2 viên sỏi lọt vào đường thở, viên bé hơn đã lọt vào dạ dày, viên to hơn mắc ở khí quản, gây suy hô hấp", bác sĩ Phú nhận định.
Sau đó cụ ông được gắp thành công dị vật ra khỏi khí quản, đường thở thông thoáng, không còn dị vật sót lại phía dưới. Tình trạng lâm sàng bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng, không còn tình trạng suy hô hấp, đỡ khó thở nhiều, hết tiếng thở rít vùng cổ cao.
Viên sỏi đã được lấy ra khỏi khí quản bệnh nhân |
Theo bác sĩ Phú, Bệnh viện Phổi trung ương đã can thiệp và cứu sống nhiều bệnh nhân mắc dị vật khí quản. Trong đó có trường hợp dị vật là hạt nhãn, do ăn không kịp nhả hạt đã bị chui vào khí quản; dị vật là mảnh xương gà trong khí quản.
Thậm chí, có trường hợp dị vật là chiếc đinh mắc ở phế quản trung gian.
"Hầu hết tất cả đều liên quan đến thói quen sinh hoạt ăn uống và lao động. Bởi vậy, người dân cần chú ý trong sinh hoạt, lao động, ăn uống, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra", bác sĩ Phú khuyến cáo.
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ mắc dị vật đường tiêu hóa, người dân cần chú ý trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa, mất tập trung.
Tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn có lẫn xương; cần cắt nhỏ, nấu kỹ thức ăn cho người cao tuổi, trẻ nhỏ; lưu ý các loại thịt, cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.
Bên cạnh đó, nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong; khi uống thuốc cần bóc bỏ vỏ thuốc khỏi vỉ trước khi dùng; khi có tiệc rượu, trong tình trạng say xỉn cần hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống.
Cách xử trí khi hóc dị vật - Ảnh minh họa |
Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...
Khi bị hóc dị vật không tự ý dùng tay móc dị vật trong họng. Khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí đúng đắn, vỗ lưng ấn ngực hoặc Heimlich kịp thời nếu đã được hướng dẫn, để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Cách xử trí hóc dị vật
Trẻ nhỏ: Đứng phía sau người bị hóc, hãy dùng lòng bàn tay của bạn đặt lên lưng của họ, giữ chặt và thực hiện một cú đấm mạnh vào giữa lưng. Động tác này có thể giúp dị vật di chuyển và thoát ra ngoài.
Người lớn: Đứng phía sau người bị hóc, hãy đặt hai tay lên bụng của họ, phía trên rốn. Sau đó, thực hiện một cú đấm mạnh vào bụng, hướng lên và vào trong. Động tác này có thể tạo áp lực đủ mạnh để dị vật bị đẩy ra khỏi đường thở.
Hóc dị vật đường thở là một tình huống khẩn cấp cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện.