Ca bệnh khó từ Hà Nội vào TP HCM chữa trị
Vượt qua quãng đường 2000km, gia đình A. đã đưa em từ Hà Nội vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM để được bác sĩ Phan Văn Tiếp chữa trị với niềm tin, hy vọng vào “đôi bàn tay vàng” của chuyên gia - người đã từng “hồi sinh” thành công cho nhiều em nhỏ có dị tật bẩm sinh.
Tiếp nhận bệnh nhi tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, bác sĩ Phan Văn Tiếp đã trực tiếp thăm khám và chỉ định chụp X-quang, qua đó phát hiện chỏm xương đùi trái trật ra khỏi ổ cối, ổ cối nhỏ, biến dạng và trên mào chậu có ổ cối dạ. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp trật khớp háng bẩm sinh phát hiện trễ và là một ca bệnh khó.
Ca phẫu thuật trật khớp háng cho bệnh nhi - Ảnh BVCC |
Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ với sự dẫn dắt của BS.CKII. Phan Văn Tiếp đã quyết định phẫu thuật để chỉnh sửa và tạo hình lại khớp háng trái cho bệnh nhi. Khi mở ổ khớp, ekip đã nhận thấy ổ cối vừa nhỏ, viền sụn bị bẹp hư, trong ổ cối có nhiều tầng (2 tầng), mào chậu bị khuyết tạo thành ổ cối giả.
Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, với sự tập trung cao độ và tỉ mỉ của cả ekip, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, đưa ổ cối về đúng vị trí và bệnh nhi được bó bột cố định . Chỉ sau 3 ngày hậu phẫu, bé đã thích nghi tốt, có thể ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện sau 7 ngày. Sau khi xuất viện, bé sẽ tiếp tục được bác sĩ Tiếp theo dõi và có kế hoạch điều trị tiếp theo.
BS.CKII. Phan Văn Tiếp - Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Trường hợp này không thể mổ một lần mà hết, nếu một năm sau mà ổ cối không tự phát triển thêm thì cần thêm một cuộc phẫu thuật tạo mái che ổ cối.
Đặc biệt, chỉnh sửa khớp háng ở trẻ cần phải đòi hỏi phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm và chỉnh vừa đủ, có thể mỗi lần phẫu thuật chỉnh sửa một chút và làm nhiều lần để tránh tình trạng khi phẫu thuật quá lớn sẽ gây biến chứng cứng khớp, giới hạn vận động sau này.”
Bệnh lý nguy hiểm nhưng khó phát hiện sớm
TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trật khớp háng bẩm sinh là một bệnh lý nguy hiểm song lại khó phát hiện sớm khi trẻ mới chào đời.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời trong độ tuổi sơ sinh đến 6 tháng tuổi thì việc điều trị trật khớp háng bẩm sinh sẽ đơn giản, tỷ lệ thành công có thể đạt tới 95% bằng phương pháp bảo tồn.
Tuy nhiên, đa số các gia đình thường chỉ đưa con đi khám sau khi bé biết đi, thấy con đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân kia. Do đó, sự quan sát, chú ý của phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ có ý nghĩa quyết định đến việc phát hiện con bị bệnh sớm hay muộn.
Trong trường hợp phát hiện bệnh muộn, việc điều trị sẽ rất phức tạp, thậm chí để lại nhiều di chứng như: Tái trật khớp, hoại tử chỏm xương đùi, loạn sản phát triển ổ cối và chỏm xương đùi gây mất cân xứng chiều dài của chi, teo cơ cứng khớp, hạn chế vận động.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: 2 chân trẻ dài ngắn khác nhau; Nếp lằn mông, đùi 2 bên cao thấp khác nhau; Bàn chân trẻ đổ ra ngoài khi trẻ nằm duỗi chân; Trẻ hạn chế việc dạng khớp háng; Khi trẻ lớn bị lệch vai một bên, chân đi tập tễnh; … thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh gây ra những di chứng đáng tiếc.