Y học và đời sống

Hương phụ – vị thuốc quan trọng với phụ nữ nên biết

N

Cây cỏ cú hay còn gọi cây củ gấu.

Chế biến hương phụ

Cỏ cú mọc hoang khắp nơi trong cả nước, dân gian nhổ cả cây phơi cho khô, vun thành đống để đốt cháy lá và rễ, củ lấy riêng rửa sạch, phơi hay sấy khô. Khi dùng có thể dùng sống (nghĩa là củ chế biến như trên, dùng ngay), sắc hoặc ngâm rượu tán bột. Hương phụ có vị cay hơi đắng, hơi ngọt, tính bình.

Theo các sách cổ, hương phụ có vị ngọt hơi hàn không độc, có tác dụng giải lục uất, tiêu ẩm thực tích tụ, đàm ẩm bí mãn, chữa mu bàn chân phù, bụng trướng, cước khí, các chứng đau tim, đau bụng, đau lợi răng, đau chân tay, đầu mặt, tai, kinh nguyệt không đều… Nhưng hương phụ đặc biệt dùng chữa trị nhiều bệnh phụ nữ.

Các lương y thường dùng thất chế hoặc tứ chế hương phụ, phổ biến nhất là tứ chế. Tứ chế là chia 1 kg hương phụ làm 4 phần. 1 phần (250g) ngâm với 200ml giấm (có độ axit axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh, bỏ phần đầu và phần cuối, chỉ lấy phần giữa), một phần ngâm nước muối 15%.

Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa: 1 ngày 1 đêm nếu là mùa hè, 3 ngày 3 đêm nếu là mùa thu, 7 ngày 7 đêm nếu là mùa đông. Cuối cùng lấy ra sao hoặc phơi khô rồi trộn đều 4 phần với nhau, cho vào lọ đậy kín, để dùng dần.

Thất chế cũng làm tương tự nhưng thêm 3 lần tẩm nữa như tẩm với nước gừng, tẩm nước cam thảo, tẩm nước vo gạo. Nghĩa là tẩm với 7 thứ. Theo lý luận Đông y, ngâm giấm vị chua là để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ.

Điều trị các bệnh phụ nữ

Hương phụ tứ chế.

Hương phụ được dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh đẻ…

Trị dau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt: Hương phụ tứ chế 20g, Ích mẫu thảo 10g, sắc uống; Trị phụ nữ có thai nôn khan, nôn ra nước chua, thai động, ăn uống không ngon và nằm ngồi không được: Hương phụ (tứ chế) 80g, hoắc hương 8g, cam thảo 8g, tất cả tán bột, mỗi lần uống 8g với nước sôi và vài hạt muối;

Trị sa trực trường sau sinh: Hương phụ, kinh giới, hai vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8g, bên ngoài nấu hương phụ và kinh giới để ngâm rửa; Trị kinh nguyệt không đều: Hương phụ (sao) 9g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ (hồng đường) 20g.

Hương phụ và ích mẫu nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống (liên tục 3 – 5 ngày); Trị rong kinh, trĩ bị chảy máu rỉ rả: hương phụ sao qua tán mịn, mỗi lần uống 6g với nước cháo hoặc nước hồ nếp; Trị đau bụng kinh: Hương phụ 20g, ích mẫu thảo 10g, sắc uống.

Trong Đông y, hương phụ đặc biệt có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh và sơ can giải uất. Do vậy, hương phụ dùng để đặc trị cho trường hợp phụ nữ sau khi sinh bị uất ức dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, vú trướng đau… Để khai uất, điều kinh thầy thuốc dùng hương phụ tứ chế sao khô, nghiền thành bột mịn, chế thành các viên cho uống.

Trị kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở: Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải cứu 6g, bạch đồng nữ 8g, thêm 300ml nước, đun sôi nhỏ lửa trong nửa giờ. Nước sắc để nguội thêm đường cho ngọt chia làm nhiều lần uống hết trong ngày.

Đây là bài thuốc cao hương ngải đã được y học cổ truyền và Đông y dùng phổ biến. Muốn cho kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh.

BS Nguyễn Thị Lệ Quyên

(Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thuốc dân tộc)