Một số ý kiến cho rằng, Ngọc Lan chủ quan, ký tên vào hợp đồng mà không đọc kỹ các điều khoản … nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhân viên đã tư vấn mập mờ.
Dư luận thời gian gần đây quan tâm câu chuyện diễn viên Ngọc Lan livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai.
Theo chia sẻ của Ngọc Lan, cô mua gói bảo hiểm cho mình là 530 triệu đồng/năm, gói của con trai là 170 triệu đồng/năm. Ngọc Lan được tư vấn rằng, sau 10 năm lấy về tiền gốc 7 tỷ cộng thêm tiền lãi là xấp xỉ 10 tỷ. Nhưng gần đây, nữ diễn viên phát hiện, cô phải đóng phí tới 74 năm và con số nhận về không như tư vấn nói.
Diễn viên Ngọc Lan gần đây bức xúc từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký.
Sự việc thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, Ngọc Lan đã chủ quan khi nghe tư vấn và ký tên vào hợp đồng khi không đọc kỹ các điều khoản, chưa hiểu hết quyền lợi trong hợp đồng…
Một số ý kiến khác cho rằng, một phần trách nhiệm trong câu chuyện này thuộc về nhân viên tư vấn bảo hiểm khi tư vấn mập mờ, cốt để khách hàng ký vào hợp đồng bảo hiểm mà không giải thích rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm cũng như rủi ro khi tham gia gói bảo hiểm. Như trường hợp Ngọc Lan, đến thời điểm livestream về câu chuyện trên, bản thân nữ diễn viên cũng chưa nắm rõ thời hạn hợp đồng và thời gian đóng phí bảo hiểm. Từ đó, một số ý kiến cho rằng, không nên đặt hoàn toàn niềm tin vào nhân viên tư vấn bảo hiểm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông thường khi các nhân viên tư vấn bảo hiểm cho khách hàng, họ quan tâm nhiều đến câu chuyện, quyền lợi của người mua bảo hiểm được cái gì mà không tư vấn kỹ cho khách hàng phần trách nhiệm cũng như rủi ro có thể xảy ra.
Ví dụ như khi làm việc với người tư vấn bảo hiểm, khách hàng được giới thiệu hợp đồng chỉ có 5 năm, 7 năm, khách hàng có thể rút bất kỳ lúc nào và hoàn lại số tiền gốc. Tuy nhiên, khi khách hàng tin tưởng, ký hoặc đến lúc muốn dừng hợp đồng, xem lại thời hạn không phải 5,7 năm mà lên đến 20 năm, thậm chí 30 năm. Đó là câu chuyện khiến khách hàng rất bức xúc.
Trong câu chuyện của nữ diễn viên Ngọc Lan, thời hạn bảo hiểm 74 năm hay 77 năm, thậm chí 90 năm không phải là quá quan trọng. Điều quan trọng là nội dung gói bảo hiểm, trong thời hạn đó, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo như thế nào. Bên nào vi phạm hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm.
Những người môi giới họ tư vấn một đằng, nhưng trong hợp đồng thể hiện một nẻo, khách hàng vẫn ký hợp đồng thì rõ ràng rủi ro thuộc về khách hàng. Nếu quá thời hạn được phép thanh lý hợp đồng mà vẫn tiếp tục duy trì, khi có tranh chấp xảy ra, nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về khách hàng. Khách hàng phải chứng minh mình bị lừa dối. Khi đó, hợp đồng mới có thể bị vô hiệu.
Bởi về nguyên tắc, khi hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện theo hợp đồng, bên nào có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Do đó, khách hàng khi lựa chọn loại bảo hiểm, cần nghiên cứu bảo hiểm đó có đầu tư hay không, rủi ro, các trường hợp bị từ chối chi trả và có thể lựa chọn các gói bảo hiểm khác nhau. Trường hợp cho rằng gói bảo hiểm không phù hợp, khách hàng cần yêu cầu điều chỉnh về thời gian, số tiền, điều chỉnh về quyền lợi và khách hàng hoàn toàn có thể thỏa thuận.
Ngọc Lan mua gói bảo hiểm gì?
Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm tỏ ra đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của Ngọc Lan trong vai trò một khách hàng mua bảo hiểm.
Theo người này, Ngọc Lan tham gia bảo hiểm sản phẩm “Aviva Chọn An Vui” - Công ty Bảo hiểm nhân thọ Aviva năm cô 34 tuổi. Sau vụ mua và sáp nhập, Aviva đã đổi tên thành MVI Life - trực thuộc Manulife.
Hợp đồng bảo hiểm liên kết chung (UL) bảo vệ đến 99 tuổi (nếu Ngọc Lan sống đến 99 và không đơn phương rút hợp đồng trước 99 tuổi hoặc giá trị tài khoản hợp đồng vẫn đủ lớn để duy trì hợp đồng đến năm Ngọc Lan 99 tuổi. Vậy nên, lấy 99 - 34 tuổi, hợp đồng bảo vệ Ngọc Lan trong 65 năm. Do đó, trong livestream Ngọc Lan nói đóng phí 74 năm là không có căn cứ vì sai cả khái niệm lẫn tính chất. Bởi 65 năm hay kể cả 74 năm là thời hạn bảo vệ tối đa chứ không phải số năm bắt buộc đóng phí.
Người này cho rằng, “đặc sản” ưu việt của dòng sản phẩm UL nói chung là khách hàng đóng phí linh hoạt có thể là 10, 15, 20 năm (thời gian đóng phí càng dài thì giá trị tài khoản càng lớn) và có thể rút tiền linh hoạt từ giá trị tài khoản.
Từ đó, chuyên gia này cho rằng, chuyên viên tư vấn và phòng nghiệp vụ khách hàng công ty Aviva nay là MVI Life… hãy giải thích rõ các điều khoản một cách đúng, đủ, đầy cho khách hàng được hiểu một cách thấu tình đạt lý.
Một số khách hàng không hài long khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị:
Trong một thông cáo báo chí phát đi vào ngày 9/2/2023, Manulife Việt Nam cho biết, đã ghi nhận tình hình liên quan đến việc một số khách hàng không hoàn toàn hài lòng với trải nghiệm khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, có tên thương mại ‘Tâm An Đầu Tư’ của Manulife Việt Nam được phân phối thông qua đối tác Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) nên đã yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn.
Khi đó, Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của Công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với Công ty Manulife Việt Nam.
Manulife khi đó cũng cho biết, rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng và hiện đang xem xét giải quyết các yêu cầu của những khách hàng này một cách nghiêm túc, công bằng, thỏa đáng và sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào, và nếu phát hiện các hành vi này sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn viên Ngọc Lan khóc nấc, tố bị lừa tiền bảo hiểm 7 tỷ