Y học và đời sống

Hôn mê gan để lại nhiều biến chứng

Bệnh gan là một trong những bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng. Hôn mê gan chính là dấu hiệu của bệnh xơ gan nặng, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời bệnh rất nguy hại tới sức khỏe.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/me-gan1.jpg

Hãy bảo vệ lá gan cho bạn.

Nguyên nhân từ các bệnh về gan

Hôn mê gan là bệnh nguy hiểm, nguyên nhân rất đa dạng như do xơ gan giai đoạn cuối, viêm gan virus thể teo gan vàng da cấp, viêm gan nhiễm độc cấp do rượu bia, dùng thuốc, viêm đường mật hủy hoại tế bào gan, ung thư gan, phẫu thuật nối tĩnh mạch cửa chủ…

Bệnh nhân thường trải qua 2 giai đoạn chính. Với giai đoạn đầu, bệnh nhân thường thay đổi ý thức, nhận thức, hành vi bất thường, hỗn loạn, nói năng không rõ ràng. Lúc này gia đình lại thường nghĩ bệnh nhân mắc chứng bệnh tâm thần.

Khi bệnh nhân ở giai đoạn nặng thì có triệu chứng điển hình là co giật từng cơn, hai tay run nhiều, vàng da, cổ trướng, nổi ban, mùi hôi ở hơi thở biểu hiện rõ…Lúc này bệnh nhân mới thường được chuyển tới bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp để phát hiện bệnh như tiêm 10mg seduxen, 15 giây sau ghi điện não đồ. Người không có nguy cơ hôn mê gan thì thấy xuất hiện một sóng nhanh, ở người có nguy cơ hôn mê gan thì xuất hiện một sóng chậm cao thế hơn vùng trán.

Bệnh nhân cũng có thể được dùng nghiệm phát vẽ bằng cách cho bệnh nhân vẽ liên tục 25 vòng tròn trên 1 mảnh giấy, người bình thường vẽ hết 10 giây, người có nguy cơ bệnh sẽ vẽ hết 66 giây với các vòng tách rời nhau… Người bệnh được xét nghiệm amoniac máu, NH3 tăng, rối loạn điện giải, rối loạn điện não đồ…

Tuyệt đối không dùng thuốc an thần

TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ, đây là căn bệnh nguy hiểm bởi gan là cơ quan vô cùng quan trọng trong việc trao đổi chuyển hóa các chất và giải độc cho cơ thể. Chỉ cần gan xuất hiện bất cứ tổn thương dù lớn hay nhỏ đều cản trở các hoạt động và đe dọa đến tính mạng của con người.

Vì vậy mà ngay khi phát hiện ra các biểu hiện bất thường hoặc các triệu chứng nêu trên thì nên tới bệnh viện thực hiện các xét nghiệm chuẩn đoán bệnh nhanh nhất và điều trị kịp thời. Bệnh nhân sẽ được loại trừ NH3 từ nguồn đại tràng (nguồn cung cấp NH3 chính), rửa ruột cho đến khi nước trong chảy ra, một số kháng sinh đường ruột…

Tuyệt đối bệnh nhân và người nhà không được dùng các thuốc giảm đau, an thần, thuốc ngủ, thuốc lợi tiểu. Khi dùng thuốc không đáp ứng điều trị, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật bằng việc buộc miệng nối cửa chủ, mở thông hai đầu của đại tràng và nối manh tràng với đại tràng, tạo đường tắt bằng cách nối ruột cuối với trực tràng.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần giảm chế độ protein đưa vào cơ thể, lượng đạm trung bình mỗi ngày chỉ nên 40 – 60g, giảm động vật, tăng thực vật vì đạm thực vật dễ hấp thu và giàu chất cơ.

Đạm thực vật làm giảm tổng hợp NH3 của vi khuẩn, nên dùng protein từ sữa vì nó ít gây NH3 hơn protein ở thịt trứng. Protein từ sữa làm cho vi khuẩn lactique phhats triển mạnh do đó làm giảm pH ở phân và giảm hấp thụ NH3, ở máu.

P.Hằng (ghi)