Doanh nghiệp

Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục báo lỗ, các chủ nợ lớn có thể yên tâm?

  • Tác giả : Hoàng Minh
(khoahocdoisong.vn) - Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – MCK: HAG) trong 6 tháng đầu năm tuy vẫn thua lỗ, nhưng mức lỗ đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vay nợ của tập đoàn này lên đến gần 18 nghìn tỷ đồng, khả năng thanh khoản rất thấp.

Trong nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần của HAGL đạt 1.470 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn doanh thu đến từ các sản phẩm trái cây (chủ yếu là chuối) và mủ cao su của một công ty con - Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Tuần đầu tháng 8/2020, Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 95 triệu đồng đối với HAGL Agric do hành vi nhiều lần kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp trong năm 2019, 2018. Cách đây 2 tháng, Tập đoàn HAGL cũng bị phạt 121 triệu đồng với hành vi tương tự. Số tiền thuế truy thu HAGL phải nộp là 566 triệu đồng.  

Doanh thu hơn nghìn tỷ đồng từ trái cây vẫn không thể giúp HAGL có lãi. Lợi nhuận sau thuế của HAGL 6 tháng đầu năm ghi nhận mức âm 132 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 lỗ 706 tỷ đồng).   

Tính đến 30/6/2020, khoản nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.412 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Trong báo cáo hợp nhất năm 2019, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam từng nhấn mạnh về vấn đề này và nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Liên tục làm ăn thua lỗ, bị nghi ngờ đứt gãy dòng tiền, sang năm 2020, HAGL vẫn vay được thêm vốn, nâng số dư nợ của mình lên 17.875 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.

Hiện, chủ nợ lớn nhất của HAGL vẫn là BIDV và công ty liên quan (BSC) với 7.576 tỷ đồng, bao gồm 6,4 tỷ đồng vay ngắn hạn, 1.693 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu (trái chủ BIDV). Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tổ chức phát hành tại HAGL là 47,41%, thấp hơn so với quy định trong  hợp đồng đặt mua trái phiếu với tỷ lệ tối thiểu là 51%. Ngoài ra, tài sản đảm bảo vay vốn không phản ánh chính xác, vượt quá con số thực tế. Cụ thể, Tập đoàn đã thế chấp quyền thuê đất 4.852ha cao su ở Lào, nhưng thực tế chỉ có 4.486ha; 7.102ha cọ dầu ở Campuchia nhưng thực tế chỉ có  5.233ha, thấp hơn nhiều so với cam kết trong Hợp đồng tín dụng.

Ngoài BIDV còn có các chủ nợ lớn khác như HDB cho vay 2.022 tỷ đồng, TPBank (cho vay 875 tỷ đồng), Sacombank (752 tỷ đồng), ngân hàng liên doanh Việt – Lào (1.052 tỷ đồng) và các tổ chức, cá nhân khác (5.238 tỷ đồng).

Khả năng thanh toán lãi vay của HAGL hiện nay là không có (với chỉ số âm 0.5 lần). Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) là âm 0,1%.

Cổ phiếu HAG của HAGL đến nay vẫn ở trong diện cảnh báo và chưa được xem xét lại.

Hoàng Minh