Trên mỗi máy lạnh có dán tem nhãn năng lượng màu xanh của Bộ Công Thương, thể hiện 5 ngôi sao, sản phẩm nào được xác nhận càng nhiều sao càng tiết kiệm được nhiều điện.
Tuy nhiên, theo TS Hà Anh Tùng, Trưởng Bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, việc dựa vào ngôi sao trên nhãn năng lượng chưa thể nói đầy đủ thông tin về chỉ số tiết kiệm mà phải xem thêm thông tin hiệu suất năng lượng (cũng được ghi trên nhãn tem năng lượng) thể hiện 3,34 hay 4,45 hoặc 6,70… tức chỉ số càng cao sẽ tiết kiệm điện càng nhiều.
TS Hà Anh Tùng cũng giải thích, những máy lạnh được dán tem nhãn năng lượng cùng đạt tiêu chí 5 sao nhưng hiệu suất năng lượng lại được thể hiện khác nhau có máy chỉ đạt hơn 4 phẩy, có máy đạt 5 phẩy, máy đạt trên 6 phẩy. Trong khi có máy chỉ chứng nhận được 2 sao, nhưng hiệu suất năng lượng lên 3,45 hay có máy đạt 3 sao nhưng hiệu suất năng lượng chỉ có 3,44… Sở dĩ có tình trạng này là do công nghệ, vật liệu sản xuất khác nhau, tức nhà sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, vật liệu tốt nhất sẽ cho ra hiệu suất năng lượng tiết kiệm điện nhiều hơn.
Ngoài ra, theo Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình - Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Người dùng cần chọn máy lạnh có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng, diện tích phòng; lắp đặt đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; cài đặt nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời tốt nhất là khoảng 5 độ C. Cứ cài đặt nhiệt độ tăng 10C sẽ tiết kiệm được 1 - 3% điện năng; tắt máy lạnh khi không sử dụng. Tránh tắt bật máy lạnh liên tục vì máy phải khởi động lại liên tục, tiêu tốn nhiều điện năng và làm giảm tuổi thọ của máy; bảo dưỡng máy 1 lần/năm, vệ sinh lưới lọc 3 tháng/lần để làm lạnh hiệu quả và tiết kiệm 5 - 7% điện năng.
Cảnh báo dấu hiệu lừa đảo tiền điện
Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ghi nhận thông tin phản ánh về một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến vấn đề tiền điện khá tinh vi. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường giả danh các cơ quan chức năng, nhân viên ngành điện lực để “đòi nợ tiền điện”, “dọa cắt điện nếu không nộp tiền”… ép người tiêu dùng nhanh chóng thanh toán tiền điện hoặc chuyển tiền vào tài khoản do họ cung cấp. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý lo sợ, nhẹ dạ cả tin của nhiều người dân, người tiêu dùng để chiếm đoạt tài sản.
Không chỉ vậy, hành vi giả mạo các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng điện đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tục cảnh báo để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng nhiều người sử dụng điện vẫn bị lừa đảo trong thời gian gần đây.
MĐ