KINH TẾ

Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP): Cơ hội lớn, cạnh tranh khốc liệt hơn

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam vừa trở thành một trong số ít ỏi các quốc gia tham gia từ đầu vào cả 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là CPTPP, EVFTA và RCEP. Vị thế này mang lại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, cạnh tranh khốc liệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.

Cục diện thương mại mới trong khu vực và thế giới

Sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế - thương mại mới.

RCEP là FTA duy nhất hội tụ đa dạng, không đồng nhất từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Trung Quốc và Nhật Bản), các nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao (Singapore, New Zealand, Brunei, Australia), các nền kinh tế công nghiệp hóa (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc), các nền kinh tế có thu nhập trung bình với nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam) và các nền kinh tế có thu nhập thấp, kém phát triển (Campuchia, Lào, Myanmar).

Nếu TPP là hiệp định thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản... thì RCEP do ASEAN lãnh đạo và được Trung Quốc hỗ trợ tích cực, không bao gồm Mỹ.

Động lực chính của TPP là Mỹ và TPP không có sự tham gia của Trung Quốc. Các nước thành viên TPP chiếm 32% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu trong khi các nước RCEP chiếm 24% GDP thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Các nước thành viên RCEP có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Nhiều quốc gia RCEP có dân số trẻ. Vì vậy, RCEP được coi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, với góc độ là một nước có nền kinh tế mở và trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 25 thế giới, rõ ràng đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tham gia vào bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thị trường trong khối RCEP hiện bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến...

Ngành dệt may với chi phí sản xuất thấp, tham gia RCEP giúp các DN xuất khẩu Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có Australia, New Zealand và Trung Quốc. Với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc...), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc thực hiện RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần giúp môi trường thương mại công bằng. RCEP không tạo ra cú sốc về thuế quan với Việt Nam. Bởi thực tế, Việt Nam cùng các thành viên ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP đã có chung các hiệp định FTA.

Quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua, với 5 nước đối tác trên trong khoảng 15 năm. Vì vậy, việc thực hiện RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam. RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong một Hiệp định FTA. DN chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì năm bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Các quy tắc về thủ tục hải quan và thương mại cũng được thống nhất và tăng cường.

Xuất khẩu gỗ sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn ngay trên "sân nhà".

Xuất khẩu gỗ sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn ngay trên "sân nhà".

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Báo cáo về thách thức và cơ hội từ RCEP, theo VCCI, về thương mại, cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định là rất lớn. Đây là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Úc, Nhật, New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Đặc điểm của chuỗi sản xuất RCEP là bao trùm cả chuỗi sản xuất gần như hoàn chỉnh của nhiều loại hàng hóa như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…

Mặc dầu vậy, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… Không chỉ là chuyện xuất khẩu hàng hóa, gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, cải cách hải quan, mà RCEP sẽ là hiệp định mang tính toàn diện, mở rộng cho tự do đầu tư trực tiếp, thương mại dịch vụ, kể cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, bán hàng điện tử với các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc.

Nếu như EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn, hướng đến thị trường khó tính, đưa ra các điều kiện cao giúp doanh nghiệp nội địa nâng chất lượng hàng hóa, thì RCEP là một thị trường mênh mông hơn, nhưng tiêu chuẩn thấp hơn, mà trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam ví dụ, RCEP là thị trường rất lớn cho cả xuất và nhập khẩu gỗ. Tuy nhiên, trong nhóm RCEP, nhiều đối thủ như Singapore, Thái Lan, Malaysia có nguyên liệu đầu vào vừa tốt vừa rẻ hơn, sản phẩm chất lượng hơn, cạnh tranh hơn của Việt Nam. Đó là chưa kể đến thương mại và tiếp thị của họ tốt hơn. Hiện nay, các đổi thủ nêu này đang lấn sân rất mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước lâu nay lại bỏ ngỏ “sân nhà”. Đây cũng là khó khăn, thách thức lớn đối với DN Việt khi vào RCEP.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của RCEP là tạo ra các quy tắc xuất xứ chung cho toàn khối. Các nước RCEP chỉ yêu cầu một chứng chỉ xuất xứ duy nhất. Cho phép các công ty dễ dàng vận chuyển sản phẩm giữa các quốc gia RCEP mà không cần phải lo lắng về các tiêu chí quy tắc xuất xứ ở mỗi quốc gia. Nhờ vậy, các công ty có chuỗi cung ứng trải dài khắp châu Á có thể giảm bớt chi phí cho từng bước sản xuất, và điều này khuyến khích các công ty đa quốc gia xuất khẩu sang các nước RCEP thiết lập chuỗi cung ứng trong toàn khối.

Tuyết Vân