KINH TẾ

Hết thời họ doanh nghiệp dầu khí, ông lớn “nhảy” vào dự án Mỹ Đình Pearl

  • Tác giả : Minh Quang
Tập đoàn SSG có sự đầu tư của các cổ đông chiến lược tên tuổi như Tập đoàn Bảo Việt và VinaCapital. Dự án Mỹ Đình Pearl hoàn toàn “về tay” SSG sau cú “ngã” của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí và Ngân hàng Đại Dương.
mydinh.jpg
Ban đầu Tập đoàn SSG đã góp vốn cùng các doanh nghiệp ngành dầu khí sáng lập lên Công ty CP bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG để triển khai dự án Mỹ Đình Pearl.

Điều chỉnh tăng 10 tầng

Ngày 27/1/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl khu X3, CV4.3 (phần quy hoạch sử dụng đất và tổ chức không gian), tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, với tổng diện tích quy hoạch của dự án gần 3,8ha.

Theo đó, Hà Nội điều chỉnh theo hướng giữ nguyên ranh giới, quy mô diện tích lô đất. Giữ nguyên khối chung cư (ký hiệu 3A và 3B) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng và khối Tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở kết hợp thương mại đang triển khai thi công (ký hiệu số 1). Cập nhật nội dung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh trong giai đoạn trước để thống nhất trong hồ sơ.

Riêng đối với khối văn phòng (ký hiệu số 2), điều chỉnh từ đất “văn phòng” sang thành đất “thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ”. Đồng thời điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên 38 tầng, tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2.

Mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%; Hệ số sử dụng đất 6,45 lần; Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh khoảng 3.988 người).

Theo UBND TP Hà Nội, việc điều chỉnh tăng tầng cao sẽ tạo điểm nhìn cho tuyến đường và khu công viên cây xanh là phù hợp với giải pháp thiết kế không gian chung của đồ án quy hoạch chi tiết, thống nhất với các công trình hiện có và không làm ảnh hưởng đến giải pháp quy hoạch chính của Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A.

Tìm hiểu lịch sử dự án cho thấy, theo quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 (Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu công viên kết hợp tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và tháp Dầu khí, tỷ lệ 1/500) được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt năm 2016, lô đất dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl có ký hiệu KS-VP-NO, chức năng là đất hỗn hợp, với các chỉ tiêu kiến trúc chính: diện tích 3,8ha, diện tích xây dựng khoảng 9.475m2, mật độ xây dựng 24,8%, tổng diện tích sàn 194.865m2, tầng cao tối đa 36 tầng, dân số 3.108 người.

Tuy nhiên đến tháng 8/2019, UBND TP Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl trong đó: Tổng diện tích khu đất 3,8ha, tổng diện tích xây dựng khoảng 9.464,01m2 (gồm 3 khối nhà: Diện tích khối khách sạn 4.752m2, khối văn phòng khoảng 1.790m2, khối chung cư khoảng 2.921m2); Về tầng cao: khối khách sạn cao 7, 19, 27, 40 tầng, khối văn phòng cao 28 tầng, khối chung cư cao 38 tầng, quy mô dân số dự án 3.140 người.

Việc UBND TP Hà Nội điều chỉnh cục bộ lô đất trong Tổ hợp Mỹ Đình Pearl này sẽ là động thái để chủ đầu tư - Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG triển khai các thủ tục về dự án đầu tư xây dựng.

Tổ hợp Mỹ Đình Pearl được giới thiệu là một dự án cao cấp với những căn hộ hiện đại cùng nhiều ưu điểm nổi trội.

Một đáng chú ý khác, dù giai đoạn 2 của dự án Mỹ Đình Pearl đã khởi công từ tháng 6/2020, nhưng mãi đến ngày 27/1/2022 UBND TP Hà Nội mới chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ dự án.

ssg1.jpg
Giai đoạn 2 của dự án được khởi công từ tháng 6/2020 nhưng đến ngày 27/1/2022 Hà Nội mới phê duyệt điều chỉnh.

SSG: “Góp mặt” của nhiều ông lớn

Tìm hiểu cho thấy Công ty CP bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG được thành lập năm 2010, các cổ đông sáng lập liên quan đến các pháp nhân ngành dầu khí và Tập đoàn SSG.

Cụ thể, doanh nghiệp này được 5 cổ đông sáng lập gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 6% cổ phần, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiếm 25% cổ phần, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) chiếm 10% cổ phần, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) chiếm 10% cổ phần và Công ty CP Tập đoàn SSG chiếm 49% cổ phần.

Đến đầu năm 2017, SSG nâng tổng số vốn góp của mình lên 81,2%, trong khi đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn giữ 4,8% cổ phần, Ngân hàng Đại Dương 8% cổ phần, còn Công ty CP PVI và Tổng Công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam đều đã thoái hết vốn.

Tập đoàn SSG thành lập năm 2003, đặt trụ sở chính tại Toà nhà Pearl Plaza 561A Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM hiện do ông Đinh Ngọc Ninh (SN 1960) làm Chủ tịch HĐQT.

Doanh nghiệp này có 27 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Vietnam Land SSG, Công ty CP Địa Ốc Và Xây Dựng SSG 2, Công ty TNHH Địa Ốc Sông Sài Gòn Thanh Đa, Công ty TNHH Bất Động Sản SSG Tân Bình, Công ty CP Đầu tư bất động sản Ngọc Thăng Long… Với nhiều dự án bất động sản: Saigon Pearl, Thảo Điền Pearl, Thanh Đa Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, PSSSG Tower.

Theo giới thiệu, ngoài bất động sản Tập đoàn SSG còn phát triển lĩnh vực giáo dục với chuỗi trường quốc tế WellSpring và năng lượng tái tạo thông qua việc đầu tư vào Công ty CP đầu tư sản xuất Năng lượng xanh.

Đặc biệt là cổ đông chiến lược của Tập đoàn SSG có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn Bảo Việt, VinaCapital và Vietnam Partners.

Tập đoàn SSG thành lập năm 2003, có 27 công ty thành viên, có các cổ đông chiến lược lớn là Tập đoàn Bảo Việt, VinaCapital và Vietnam Partners.

Minh Quang